Sẽ làm rõ những dấu hiệu bất thường
>> Khẩn trương cứu 12 người mắc kẹt trong hầm bị sập tại thủy điện Đa Dâng
Dự án có biểu hiện không bình thường
Dự án thủy điện Đạ Dâng nằm ở khu vực núi thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, trước đây thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư với công suất lắp máy 14MW. Dự án này được khởi công vào cuối năm 2003 khá rầm rộ, nhưng không hiểu sao sau thời gian dài khoảng 3 năm đã chuyển đổi cho chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội).
Theo hồ sơ, năm 2008, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án và năm 2009, chủ đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án kéo dài 3 năm.
Thế nhưng, càng khó hiểu là đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành phần hầm dẫn nước. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho thay đổi, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án hoàn thành đưa vào phát điện đến cuối năm 2014.
Công trình do Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) thiết kế và Công ty cổ phần Tư vấn Nhật Thăng (Hà Nội) giám sát. Hạng mục hầm dẫn nước, trước đây do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô thực hiện, sau đó lại chuyển cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng ngầm Vinavico. Ông Phạm Đình Hiểu, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 505 cho biết, hầm dẫn nước này có chiều dài khoảng 700m, đã đào sâu hơn 500m từ lâu nhưng chưa đổ bê tông cốt thép kết cấu vĩnh cửu để giữ cố định đường hầm. Mới đây, phía Công ty cổ phần Sông Đà 505 nhận lại hợp đồng đổ bê tông kiên cố hầm dẫn nước nên mới đưa công nhân vào dọn dẹp để làm sắt đổ bê tông thì bất ngờ bị sập.
Quan sát đường hầm đào từ lâu cho thấy có nhiều đoạn đá trơ ra, chưa có sự gia cố nào nên rất nguy hiểm. Một số điểm sạt lở hai bên vẫn còn nguyên. Theo những người có kinh nghiệm trong thi công đường hầm, lẽ ra công việc đào hầm phải gắn liền với gia cố lớp bê tông để chống sập và chống thấm nước rò rỉ ra có thể làm sập hầm. Đồng thời sau đó, việc đổ bê tông cố định vĩnh cửu phải được thực hiện nhanh, tránh trường hợp lâu ngày mưa gió, nước mạch ngầm làm sập đường hầm. Thế nhưng, ở công trình này đã để lâu không đổ bê tông cốt thép cố định, dẫn đến nước ngấm nhiều sau mưa, đường hầm sập là chuyện đương nhiên. Mặt khác, trong đường hầm sập cho thấy có khá nhiều đất cát, đất dễ vỡ và đá mồ côi nên việc khảo sát địa chất để tiến hành đường hầm này cũng cần phải kiểm tra lại...
Vì thế, dư luận đặt câu hỏi về tính bất thường những gì đã diễn ra ở dự án thủy điện này hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Công an Lâm Đồng và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. |
Phải điều tra toàn diện, khách quan...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sẽ kiểm tra lại toàn bộ các quy trình đầu tư, cấp phép xây dựng mới có thể làm rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan. Được biết, Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn tới sập hầm thủy điện Đạ Dâng.
Trả lời PV Báo CAND, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đoàn công tác khám nghiệm hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đã tiến hành lấy mẫu, thu thập chứng cứ liên quan để xác định làm rõ. Sẽ mời Bộ Xây dựng vào để cùng tiến hành việc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thiết kế xây dựng... Đặc biệt sẽ giám định, phân tích kết cấu địa chất để có căn cứ pháp lý xác định việc khảo sát, thiết kế xây dựng công trình này có phù hợp hay không. Đồng thời cũng phải xem xét việc thi công có đảm bảo theo đúng thiết kế hay không, có chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn lao động hay không... “Nếu khảo sát thiết kế địa chất không phù hợp mà vẫn tiến hành cho xây dựng thủy điện thì đơn vị làm ấy phải chịu trách nhiệm”, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn nhấn mạnh.
Chiều 21/10, trả lời PV Báo CAND, ông Lê Quang Huy - Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nhiều lần phối hợp các ngành liên quan kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn lao động ở công trình thủy điện này. Cụ thể, năm 2013, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Sông Đà 505 về không đảm bảo các quy định về an toàn lao động tại đường hầm thi công.
Về phía đơn vị thi công, ông Phạm Đình Hiểu, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 505 cho biết, thông tin dữ liệu thiết kế, khảo sát thì chủ đầu tư có cả, phần mình chỉ nhận làm lại phần bê tông vĩnh cửu đường hầm nên không nắm hết toàn bộ. Khi nhận phần thi công đổ bê tông vĩnh cửu đường hầm dẫn nước ở công trình thủy điện này, ai cũng thấy có phần hơi cũ kỹ nhưng tin tưởng vẫn đảm bảo an toàn, nếu biết trước không đảm bảo an toàn thì chắc không ai dám nhận...
Chiều 21/12, trả lời PV Báo CAND, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, công trình thủy điện Đạ Dâng kéo dài từ năm 2003 đến nay; việc tỉnh Lâm Đồng cho phép thay đổi, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án này sẽ cho anh em kiểm tra lại...
Điều mà dư luận đặt câu hỏi ở đây là quá trình thẩm định lại dự án này như thế nào khi cấp đổi chứng nhận đầu tư để điều chỉnh tiến độ dự án?
Thủy điện vừa và nhỏ đã một thời quy hoạch tràn lan ở Tây Nguyên (chủ yếu cấp phép tư nhân) mà chưa tính hết hệ lụy đem lại. Sau 2 lần vỡ đê quay ở công trình thủy điện Ia Krêl 2 (Đức Cơ, Gia Lai), đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đền bù hết thiệt hại cho dân, gây bức xúc dư luận. Tiếp đến vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng vừa qua tại Lạc Dương (Lâm Đồng) đã làm cho chúng ta phải suy ngẫm thật nhiều và cần phải có biện pháp về vấn đề thủy điện tư nhân ở Tây Nguyên.
Miễn phí điều trị toàn bộ cho các nạn nhân bị sập hầm tại Lâm Đồng
Ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn gửi UBND 6 tỉnh: Lâm Đồng, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có người thân là nạn nhân trong vụ sập hầm tại Nhà máy thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để chăm sóc giúp nạn nhân ổn định tâm lý, nhanh chóng bình phục sức khỏe. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế để khám, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các công nhân bị nạn trong điều kiện tốt nhất và miễn phí toàn bộ đối với các bệnh nhân đặc biệt này. Dạ Miên Chiều 21/12, bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, hiện sức khỏe của các nạn nhân tiến triển tốt, đã đi lại bình thường. Chiều 22/12, Bệnh viện sẽ làm thủ tục cho xuất viện. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc, do sức khỏe chưa bình phục hẳn nên Bệnh viện giữ lại thêm vài ngày nữa để theo dõi. |
Trong số 167 dự án thủy điện, các tỉnh Tây Nguyên đã loại bỏ 117 dự án, với tổng công suất 337,16MW. Lâm Đồng là địa phương loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất, với trên 40 dự án, có tổng công suất 105,5MW. Qua rà soát, Bộ Công Thương cũng thống nhất với các tỉnh Tây Nguyên loại khỏi quy hoạch 33 dự án, không xem xét quy hoạch 108 vị trí có tiềm năng thủy điện. |