Sang Nhật Bản làm điều dưỡng, hộ lý phải có chuyên môn và biết tiếng Nhật
>> Từ 1 đến 15/9 tiếp nhận hồ sơ điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản
Từ ngày 1/9, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của các ứng viên điều dưỡng viên và hộ lý có đủ điều kiện sang làm việc tại Nhật Bản của năm 2012. Ngay sau khi phát đi thông báo tuyển, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều ứng viên tốt nghiệp tại các trường đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, trực tiếp phụ trách chương trình, nhằm cung cấp các thông tin cụ thể về chương trình hợp tác lao động chất lượng và thu nhập cao này.
PV: Những tiêu chuẩn người đăng ký tham gia chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản cần phải có là gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Thanh: Ứng viên điều dưỡng là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm (một năm gia hạn một lần) và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Ứng viên hộ lý là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm (một năm gia hạn một lần) và làm công việc hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Về tiêu chuẩn chuyên môn: Đối với vị trí ứng viên điều dưỡng, người đăng ký cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh Việt Nam; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề); Đối với vị trí ứng viên hộ lý, người đăng ký cần tốt nghiệp CĐ điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc ĐH điều dưỡng đa khoa (4 năm).
Ông Lê Văn Thanh. |
Về tiêu chuẩn tiếng Nhật: Những người đăng ký đáp ứng được tiêu chuẩn về chuyên môn sẽ được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong vòng 12 tháng tại Việt Nam do Cục QLLĐNN phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tổ chức. Chương trình đào tạo dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2012.
PV: Ngoài tiêu chuẩn cao về chuyên môn, tiếng Nhật là một thử thách lớn mà người tham gia chương trình cần vượt qua, xin ông cho biết thêm yêu cầu của Nhật Bản về tiêu chuẩn này?
Ông Lê Văn Thanh: Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tiếng Nhật, người đăng ký phải tham dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức vào tháng 7 và tháng 12 hằng năm. Người đăng ký cần đạt được trình độ tiếng Nhật ở cấp độ N3, tức là mức trình độ tiếng Nhật trung bình của 5 cấp độ, trong đó N1 là cấp độ cao nhất. Chỉ đối với những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật, Cục QLLĐNN sẽ phối hợp với phía Nhật Bản giới thiệu các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng, hộ lý để lựa chọn. Cục QLLĐNN sẽ thông báo danh sách người đăng ký đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu để tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) và gửi danh sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu theo địa chỉ mà người đăng ký cung cấp.
PV: Vậy sau khi đủ tiêu chuẩn, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sẽ có được những quyền lợi gì khi sang Nhật Bản?
Ông Lê Văn Thanh: Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm nhằm đạt được chứng chỉ quốc gia với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi chứng chỉ quốc gia mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi chứng chỉ quốc gia một lần vào năm thứ 4 sau khi đã làm công việc hộ lý trên 3 năm tại Nhật Bản. Quyền lợi lớn nhất nếu thi đỗ, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.
PV: Để được cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, các ứng viên cần đáp ứng được những yêu cầu gì?
Ông Lê Văn Thanh: Đây là kỳ thi rất khó. Nội dung kỳ thi là những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để thực hiện các công việc của người điều dưỡng viên làm ở bệnh viện và hộ lý làm ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của ứng viên, phải làm việc và học tập một cách chuyên cần cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi ứng viên làm việc. Ngoài phần chữ Hán được sử dụng trong tiếng Nhật giao tiếp thường ngày còn có cả những thuật ngữ chuyên môn. Vì vậy, ứng viên cần học tiếng Nhật thật tốt trước khi tham dự kỳ thi.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sẽ được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước. |