Săn lùng “hàng độc” ở rừng Kon Ka Kinh

Thứ Sáu, 17/05/2013, 23:09
Cách đây ít năm, một loại cây “thuốc khỏe” mọc ở rừng Kon Ka Kinh, Kbang, Gia Lai, có củ giống như rễ sâm nên người dân quen gọi “sâm đá”, được xem là loài thuốc bổ khỏe đặc hữu và bị khai thác cạn kiệt.

Thời ấy, nhà nhà uống rượu cây “thuốc khỏe”, người người đi săn hàng độc để bồi bổ cơ thể và chỉ được thời gian ngắn thì loại cây này đã không còn nữa.

Bây giờ ở rừng Kon Ka Kinh, Kbang, lại rộ lên chuyện cây “na rừng” uống mát và khỏe, có nhiều người tìm mua để bán ra nước ngoài nên cũng bị “săn lùng” một cách tận diệt. Đáng buồn là không ai biết loại cây ấy có giá trị khoa học thế nào?

Rừng ở Kon Pne (Kbang, Gia Lai) mùa này nắng gay gắt nhưng không ngăn được bước chân vững chãi, quen thuộc của những cư dân thổ địa vùng này. Sống gần rừng, vào rừng kiếm ăn là chuyện thường ngày của người dân bản địa.

Đinh Hne thổ lộ: Rễ cây T'rưng (còn gọi cây na rừng) dạo này bán cho người buôn ở thị trấn Kbang, Gia Lai khá đắt. Trung bình mỗi kg rễ cây tươi được thu mua với giá từ 3.000 - 5.000 đồng, phơi khô thì có giá đến 10.000 - 15.000 đồng. Lúc đầu vào rừng lấy cây T’rưng rất dễ, mỗi ngày bình quân một người vào rừng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Bây giờ thì cạn kiệt rồi, phải đi sâu trong rừng mới tìm được...

Còn mẹ Đinh H'Liêu, một người dân sống ở xã Kon Pne tâm sự: Vì có nhiều con buôn tìm đến các làng hỏi mua rễ cây T'rưng với giá khá cao nên nhiều gia đình đã bỏ nương rẫy lên rừng đào rễ cây để bán.

Chủ tịch UBND xã Kon Pne, Đinh Liunh, người có thâm niên ở rừng cũng thú nhận, mình không rành đó là loài cây gì và công dụng ra sao nhưng nghe mọi người bảo uống mát, có người từ bên ngoài vào tìm mua nên dân ở xã đi đào bán.

Theo nhìn nhận của người dân quan sát về loại cây này là loài cây thân dây leo, có trái màu xanh ăn hơi chua, khi chín trái màu đỏ và có vị ngọt, cây sống những nơi ẩm ướt, thoáng mát ở các cánh rừng tự nhiên trên vùng Kon Ka Kinh, địa bàn huyện Kbang, Gia Lai.

Già H'Lúc ở Kon Pne kể tỉ mỉ rằng, phong trào tìm rễ cây để bán được rộ lên nhanh do có người lạ vào làng đưa mẫu rễ cây T’rưng và bảo chúng tôi vào rừng tìm cho họ.

Điểm thu mua rễ T’rưng ở xã Kon Pne (Kbang), chính do ông Mỹ làm chủ hàng ngày đông đúc người đến bán. Có ngày điểm thu mua lên đến hàng trăm kg rễ T'rưng tươi. “Gần đây số lượng rễ T'rưng trong rừng có vẻ cạn dần nên người đi tìm về bán không được nhiều”, ông Mỹ, chủ điểm thu mua rễ T’rưng thổ lộ.

Những ngày đầu, rễ T'rưng được thu gom chở đi cả xe tải nhưng càng về sau càng thưa dần. Người mua hàng ở nơi khác đến không nói thật mua để làm gì. Có người bảo bán cho nước ngoài làm thuốc. Có người bảo chỉ để làm hàng gia dụng thôi... Nhưng cứ có tiền người dân đi tìm để bán và rừng Kon Ka Kinh lại phải “nóng” lên sau những cuộc săn lùng “hàng độc”.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, Gia Lai cho biết, hiện đã ngăn cấm, tuyên truyền vận động người dân không cho vào rừng khai thác loại cây này để bán. Còn việc xác định loại cây này có nằm trong danh mục quý hiếm hay có giá trị khoa học thế nào vẫn chưa biết được

N. Như
.
.
.