Sa bồi tự nhiên đe doạ Cảng Hải Phòng
Các nhà nghiên cứu đánh giá, ở Cảng Hải Phòng, cứ 10 năm lượng sa bồi luồng tăng lên gấp đôi. Có nghĩa là để duy trì mọi hoạt động của cảng, mỗi năm Cảng Hải Phòng sẽ phải tiến hành nạo vét từ 6 triệu m3 sa bồi trở lên và cũng chỉ duy trì độ sâu luồng 4-5m.
Cảng Hải Phòng nằm trong phạm vi vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng, chịu sự tác động không nhỏ của động thái xâm thực sa bồi trên các tuyến luồng vào cảng.
Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia của chương trình phát triển LHQ (UNDP) đã tiến hành dự án VIE 88/014 để khảo sát, đánh giá khả năng sa bồi cảng và kết luận, việc cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng cần đặt phương án chống sa bồi trên các tuyến luồng là ưu tiên số một. Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn giữa con người với tự nhiên.
Tác động của sa bồi luồng là không nhỏ…
Theo các chuyên gia nghiên cứu cảng biển, tồn tại hơn một thế kỷ nay nhưng Cảng Hải Phòng luôn bị tác động lớn của tự nhiên và nhân sinh, bị sa bồi nghiêm trọng. Trước đây, độ sâu luồng vào cảng luôn được duy trì từ 5,5-6m, tàu hàng vạn tấn ra vào thường xuyên. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, mặc dù lượng nạo vét đạt 3-5 triệu m3/năm nhưng chỉ duy trì độ sâu luồng 3,5-4m, tàu vạn tấn không vào được cảng và hàng hoá phải chuyển tải.
Nguyên nhân chính của việc sa bồi nói trên phần lớn do tác động của tự nhiên. Đó là sự tăng lên của lưu lượng phù sa sông Cấm. Bình quân hàng năm tăng từ 3-4 triệu tấn/năm do phá rừng gây xói mòn đất lưu vực thượng nguồn và sông Thái Bình. Chưa kể, nhân tác trực tiếp càng làm cho sa bồi "lớn lên" nhiều. Ví như việc khoanh đắp hơn 9.000ha đầm sử dụng nuôi trồng thuỷ sản, khai hoang nông nghiệp trong vòng hàng chục năm qua đã làm mất không gian lắng bùn cát vùng cửa Cấm.
Một số nhà nghiên cứu biển gần đây còn cảnh báo, khả năng nước phù sa hệ thống sông Hồng dồn sang hệ thống sông Thái Bình, qua cửa sông Cấm ra biển Nam Triệu ngày càng nhiều sau khi đắp đập thuỷ điện Hoà Bình.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, cứ 10 năm lượng sa bồi luồng tăng lên gấp đôi. Có nghĩa là để duy trì mọi hoạt động của cảng, mỗi năm Cảng Hải Phòng sẽ phải tiến hành nạo vét từ 6 triệu m3 sa bồi trở lên và cũng chỉ duy trì độ sâu luồng 4-5m.
Phương án nào khơi luồng cho cảng?
Làm việc với Cảng Hải Phòng được biết, dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2006. Trong đó, hạng mục nạo vét 15,2 triệu m3 đất trên toàn tuyến Lạch Huyện - kênh Hà Nam, Bạch Đằng - Đình Vũ, Sông Cấm - Bến Bính bắt buộc phải hoàn thành. Chưa kể còn phải nạo vét thêm 2,5 triệu m3 trên các tuyến phụ. Hiệu quả của dự án sẽ phụ thuộc rất lớn vào các hạng mục này.
Trước đó, có rất nhiều phương án chống sa bồi luồng. Vào năm 1978, phái đoàn chuyên gia Ba Lan sang giúp Hải Phòng qui hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đã xem xét đánh giá một cách nghiêm túc khả năng phát triển của cảng biển. Lần đầu tiên các chuyên gia Ba Lan nhận định, muốn duy trì cảng biển, Hải Phòng cần phải nâng cấp, mở rộng trên cơ sở cải tạo và chỉnh trị luồng cảng. Phương án chống sa bồi luồng phải được tập trung đầu tư.
Tiếp theo đó, phái đoàn chuyên gia JICA (Nhật Bản) sau khi nghiên cứu, phân tích những tài liệu đã có, nhất trí phương án chống sa bồi trên cơ sở xây dựng hệ thống kè dọc chống bùn, cát tràn.
Về mặt khoa học, các chuyên gia nước ngoài thừa nhận tính chất cấu trúc hình phễu vùng cửa Bạch Đằng bị ảnh hưởng lớn lắng đọng bồi tích nội tại vùng cửa sông. Vì vậy, về phương diện kỹ thuật, việc nạo vét tạo luồng cho tàu 3 vạn tấn qua Lạch Huyện là hiệu quả hơn cả. Đây chính là cơ sở cho phương án cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng đã được Chính phủ phê duyệt.
Từ khả năng sa bồi càng ngày càng lớn, trong tương lai Hải Phòng phải xây dựng cảng nước sâu, đương nhiên không thể không tính đến phương án thực hiện công trình đào sâu và mở rộng tuyến luồng với độ sâu ít nhất 13m và xây kè chắn bùn cát hai bên luồng vươn ra biển.
Đến nay, Chính phủ đã có ý kiến chính thức về việc đồng ý cho triển khai, nghiên cứu lập luận chứng tiền khả thi xây dựng cảng nước sâu của Hải Phòng trên cơ sở phát triển tuyến luồng Lạch Huyện cho tàu 3 vạn tấn đã được phê duyệt. Tuy nhiên, luồng Lạch Huyện che chắn tốt hơn vào mùa gió Đông Bắc, nhưng sa bồi chủ yếu vào mùa gió Tây Nam, nên tác động tránh sa bồi tự nhiên của Lạch Huyện sẽ không khá hơn các luồng khác.
Trong điều kiện đang cải tạo, nâng cấp cảng nhưng Hải Phòng chưa có bất kỳ một chỉnh trị nào chống sa bồi trong cải tạo thiên nhiên. Vì vậy, sa bồi xảy ra là điều đương nhiên. Việc chỉnh trị luồng, cải tạo thiên nhiên vô cùng tốn kém và không loại trừ gây thiệt hại về môi trường. Do đó, không thể nói phương án chống sa bồi luồng tối ưu nhất được thực hiện trong một sớm một chiều.
Những phương án hạn chế sa bồi truyền thống là tăng khối lượng nạo vét bùn cát trên các tuyến luồng để duy trì mọi hoạt động cảng biển như hiện tại vẫn phải được duy trì. Bởi vậy, phát triển cảng biển Hải Phòng đang thực sự là thách thức lớn với tự nhiên