Vụ việc “Sản phụ chết nghi ngờ do ê kíp trực”…:

Rà soát qui chế chuyên môn trong xử lý cấp cứu tai biến Sản khoa

Thứ Ba, 16/09/2014, 09:27
Nhằm có thông tin nhiều chiều xung quanh vụ việc “Sản phụ chết nghi ngờ do ê kíp trực chưa tốt”phản ánh trên báo CAND, PV báo CAND đã trao đổi với một vài bác sĩ Chuyên khoa Sản tại TP HCM cũng như đơn vị quản lý là Sở Y tế về trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) tử vong sau khi tới sinh con tại Bệnh viện (BV) An Bình TP HCM.
>> Sản phụ chết, nghi ngờ ê kíp trực chưa tốt

Phía sau “Y lệnh” lấy nước đá trườm cầm máu cho băng huyết sau sinh

Theo Phó Giám đốc BV - Bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Tường, ê kíp trực cho sản phụ Nguyễn Thị Hạnh không có sai sót chuyên môn. BS Duyên trực có mặt tại chỗ. BV nhận định: “Đây là một tai biến sản khoa băng huyết sau sinh nặng do đờ tử cung. Lúc xảy ra kíp trực đã có mặt đầy đủ và xử trí đúng theo phác đồ của BV”. Cũng theo BS Tường, trong quá trình cấp cứu, máu chảy ra ồ ạt khi đang phẫu thuật cắt tử cung cầm máu cho bệnh nhân thì bị ngưng tim. Ê kíp đã cố gắng hồi sức,nhưng diễn tiến xảy ra quá nhanh, “bác sĩ không kịp trở tay”, sản phụ vẫn bị sốc không phục hồi và tử vong.

Song một câu hỏi lớn từ phía gia đình sản phụ là vì sao trước, trong khi diễn ra cuộc trở dạ của sản phụ Hạnh, BV không hề có một cảnh báo gì, bỗng dưng lại phải thực hiện phẫu thuật cắt tử cung ngay sau khi cuộc trở dạ vừa xong? (9h sinh, khoảng từ 9h 30 tới 10h được đưa lên khoa hồi sức lầu 3 để phẫu thuật cắt tử cung). Anh Dũng trình bày: Ngày 15/8 vợ anh tới khoa Sản khám thai, BS xác định thai 38,5 tuần và còn dặn ngày 23/8 tới tái khám. Chưa dự đoán ngày sinh. Ngày 17/8 vợ anh đau bụng nhưng có cơn đau lạ, khác 2 lần sinh trước và vẫn chưa có dấu sinh (ra huyết hồng), nhưng sau khi tới BV vào 7h, tới 9h đã sinh con rất nhanh? Cũng theo anh Dũng, tại sao BV không cấp giấy tờ khi cho đem xác vợ về, tại sao dặn người nhà nếu có người hỏi phải nói sai sự thật? …”.

Phía dư luận cũng đang quan tâm tới vụ việc trên về 2 khía cạnh: Bác sĩ trực có mặt đầy đủ theo lời BV nói vậy tại sao một ca tai biến băng huyết sau sinh, nằm trong tầm tay xử trí của BV nhưng lại thất bại? Gia đình cũng thắc mắc, BV An Bình theo chỉ đạo tuyến chuyên môn Sản thuộc BV Sản Hùng Vương tại sao không chuyển sản phụ lên Hùng Vương mà phải gọi gấp một BS nhà gần ngay tại BV An Bình tới?

 Riêng về phía cơ quan chức năng, một câu hỏi rất lớn từ phía Thanh tra Sở Y tế TP HCM với BV là vì sao ở một BV lớn, có 10 BS và Nữ hộ sinh có mặt vẫn “không kịp trở tay”, phải lấy nước đá để trườm cầm máu? Đây là một trong những lý do khiến Thanh tra Sở Y tế TP HCM yêu cầu BV cần làm rõ và rà soát lại toàn bộ việc thực hiện Qui chế chuyên môn khoa Sản, qui chế trực của BS Trưởng khoa, trực của nữ hộ sinh cũng như qui trình cấp cứu cho bệnh nhân. Đã sai sót, có “lỗ hổng” hay không? Nếu như trả lời của phía BV là sử dụng nước đá trườm cho sản phụ Hạnh là áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ tốt hơn cho bệnh nhân, nhưng kinh nghiệm dân gian nếu có giá trị phải được đưa vào phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bệnh viện An Bình TP HCM do bác sĩ Nguyễn Xuân Tường( Phó Giám đốc-ngồi giữa) tới thăm gia đình sản phụ Hạnh vào chiều 8/9.

Tai biến “nằm ở đâu đó” khi “bác sĩ không kịp trở tay”?

Giải thích về việc không chuyển sản phụ lên tuyến trên, BS Tường cũng cho rằng, qui trình hay cách thức điều trị những ca tai biến như sản phụ Hạnh không có gì khó, là “trong tầm tay” nên không cần. 

Chia sẻ với chúng tôi vào ngày 8/9, một bác sĩ khoa Sản đã có gần 30 năm kinh nghiệm cho biết, 5 tai biến Sản khoa mà Bộ Y tế đã có qui định về thực hiện đúng phác đồ hướng dẫn xử trí rất kỹ gồm: Cấp cứu dọa vỡ và vỡ tử cung; băng huyết thời kỳ sổ rau; nhiễm khuẩn sau đẻ; sản giật và uốn ván sơ sinh. Trong đó, có các bước từ triệu chứng nhận biết tới y lệnh thuốc men, y lệnh có chỉ định phẫu thuật, qui trình chuyển lên tuyến trên khi cần hỗ trợ bệnh nhân quá nặng. Ở đây cần lưu ý về việc sản phụ chưa có dấu sinh nhưng có cơn đau lạ và được vào sinh ngay; thứ nữa, quá trình sinh, BV khẳng định sản phụ đã bong rau, nhưng băng huyết mất máu ồ ạt , nên phải cắt bỏ tử cung, để cứu sản phụ.

Về nước đá trườm cầm máu, BS này cho biết, cách đây 20 năm có khi hơn, cấp cứu tai biến băng huyết sau sinh có xã phường cũng làm cách này nhưng một số trạm y tế phường, xã nữ hộ sinh có thực hiện việc trườm đá nhưng thực sự mà nói nó chỉ có tác dụng co mạch phần nào. Sau này, với băng huyết sau sinh trong phác đồ hướng dẫn điều trị cho sản phụ băng huyết tại khoa Sản của Bộy tế, luôn có một loại thuốc “co hồi tử cung” cùng y lệnh cấp cứu, truyền máu… thì bất cứ bác sĩ chuyên khoa Sản nào cũng biết xử trí. Quá trình băng huyết sau sinh, việc xử trí là hết sức khẩn trương, nhưng cũng cho phép thời gian, khi y lệnh dùng thuốc co hồi tử cung không thành công, truyền dịch… hết cách, ê kíp mới hội chẩn, quyết định cắt tử cung do không hồi phục. Trong cảnh báo của Sản khoa về nguy cơ tai biến đờ tử cung, gây băng huyết sau sinh thì sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 cũng chưa phải trong diện nguy cơ. Đối tượng cảnh báo là sinh con lần thứ 5 trở lên. Do đó, theo BS này, nghi vấn của gia đình là tại sao không có cảnh báo gì trước và trong khi trở dạ nhưng phải cấp cứu đưa sản phụ lên phòng phẫu thuật để cắt tử cung ngay cũng là điều dễ hiểu. Và tai biến có thể "nằm ở  đâu đó" trong ca này.

Thông tin mới nhất từ phòng Thanh tra sở y tế cho hay, gia đình có thông báo sẽ tiếp tục khiếu nại BV An Bình do không đồng ý kết luận nguyên nhân tử vong của chị Hạnh do BV đưa ra. Thanh tra Sở cho biết, đây là căn cứ để Phòng Nghiệp vụ y Sở y tế đề xuất Giám đốc Sở cho thành lập Hội đồng chuyên môn khoa học cấp Sở

Huyền Nga
.
.
.