Quy hoạch đô thị và nông thôn ở Hải Dương: Chậm và không chắc

Thứ Năm, 04/05/2006, 15:02

Do không có quy hoạch từ trước nên trên các đường phố mới ở TP Hải Dương thường diễn ra cảnh làm nhà rồi mới làm đường, hè phố, điện nước...

Gần 10 năm trở lại đây, Hải Dương là tỉnh thu hút được đầu tư với quy mô lớn nhờ chính sách mở và ưu đãi. Theo đó, tỉnh đã lập và  phê duyệt quy hoạch, triển khai thực hiện 24 khu đô thị, khu dân cư mới, khu du lịch sinh thái… với tổng diện tích 993,4ha; 9 khu công nghiệp, tổng diện tích 1.378ha và 20 cụm công nghiệp chiếm 705,2ha phân chia đều cho TP Hải Dương và 11 huyện. Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất từ tỉnh này, công tác quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết dường như còn khá chậm và chưa đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn…

Thế là... chậm

Các chuyên gia và nhà quản lý đều thống nhất: Công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Thế nhưng ở Hải Dương còn bị động nếu không muốn nói là chậm. Theo quy tắc chung, cứ 5 năm phải điều chỉnh một lần quy hoạch tổng thể. Vậy mà ngày 23/1 vừa qua, UBND tỉnh mới có Quyết định số 405/2006/QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung cho TP Hải Dương đến năm 2020. Diện tích TP được mở rộng thành 6.653,6ha với 350 nghìn người sinh sống. Một số xã của huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng được sáp nhập về thành phố.

Quy hoạch này lẽ ra phải được phê duyệt sớm hơn, ở vùng nông thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo Viện Quy hoạch tỉnh, đến nay, trong số 17 thị trấn mới chỉ có 3 thị trấn đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung; 27/36 thị tứ, điểm dân cư nông thôn có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Đó là chưa kể, tất cả các xã trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý đầu tư và xây dựng cơ sở vì đều đang chờ quy hoạch chung và chi tiết của tỉnh.

Theo kế hoạch tỉnh, phải đến năm 2010 hoàn thành quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, nhưng đến hết năm 2005 mới làm xong cho 22 xã và dự kiến năm 2006 sẽ được thêm 30 xã nữa. Với tiến độ như trên, chắc chắn năm 2010 cũng không thể hoàn thành quy hoạch cho vùng nông thôn và chưa thể nói gì tới việc điều chỉnh quy hoạch sau 5 năm.

Như vậy, công tác quy hoạch ở Hải Dương đang tạo ra những khoảng trống khó lấp nổi. Nếu lấy quy hoạch làm cơ sở để chỉ đạo, định hướng và tạo động lực cho sự phát triển thì xem ra công tác quy hoạch đang chạy theo hoạt động đầu tư. Quy trình ấy đã và đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc triển khai, quản lý xây dựng cơ bản và ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của tỉnh…

Và... không chắc

Có một thực tế ở Hải Dương là chưa có quy hoạch xây dựng chuyên ngành như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giáo dục, văn hóa thể thao... để tổng hợp, lập quy hoạch xây dựng chung toàn tỉnh. Bởi vậy, dẫn đến tình trạng khi xây dựng mở rộng các trục đường giao thông thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, mất nguồn thu lớn cho ngân sách từ quỹ đất. Chưa kể, hầu hết đường giao thông nông thôn WB2 chưa huyện, thị trấn nào thực hiện xây dựng đúng thời gian, mặc dù vốn đầu tư cho các dự án này không thiếu. Dường như tất cả phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết.

Tại 27 thị tứ, điểm dân cư nông thôn đã có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, nhưng một số bước vào triển khai xây dựng điểm lại gặp những vướng mắc về quy hoạch cụ thể nên không thể thực hiện nhanh. Ở TP Hải Dương còn gặp tệ hại hơn. Không có quy hoạch từ trước, trên các đường phố mới thường diễn ra cảnh làm nhà rồi mới làm đường, hè phố, điện nước... Lẽ ra quy hoạch chung, phải tiến hành đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng trước. Sẽ tránh được sự không đồng bộ, chắp vá khi xây dựng. Trên một số đường phố, thậm chí cả khu công nghiệp, tháng này ngành Điện đào bới, lắp đặt hệ thống đường điện ngầm, tháng sau ngành Nước đào bới lại xây dựng hệ thống cấp nước chứ không hề được tổ chức bài bản, thống nhất.

Cùng với những lý do trên, việc quản lý quy hoạch chưa tốt, có nơi ngay tại TP Hải Dương 2 doanh nghiệp được cấp đất một phần chồng lên nhau. Khi phát hiện, 2 doanh nghiệp tranh chấp, lúc đó cơ quan chức năng lại phải thay đổi quyết định. Ở một đoạn phố Bắc Sơn, quy hoạch thế nào mà không có cả hè phố. Bởi khi cấp phép xây dựng nhà ở, chính quyền "cho phép" luôn vào địa giới hè phố hoặc chỉ giới hành lang giao thông cũ. Thế mới xảy ra chuyện nhà của dân đang thi công dở phải quyết định dừng lại...

Tới thời điểm này, vẫn chưa có cơ quan nào tổng hợp, đánh giá, điều tra những thiệt hại về kinh tế-xã hội do thiếu quy hoạch như đã nêu ở trên, nhưng rõ ràng công tác quy hoạch của Hải Dương đã "chậm" nhưng không "chắc". Đây luôn là mối quan ngại cần được điều chỉnh ngay. Đã đến lúc, tỉnh cần phải thành lập hội đồng kiến trúc - quy hoạch để tư vấn giúp các cấp lãnh đạo từ các ngành đến địa phương, đặc biệt là khâu thẩm định quy hoạch cũng như các dự án nhằm tạo sự khoa học, thống nhất, đồng bộ khi triển khai

M.H.
.
.
.