Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời kiến nghị cử tri: Thẳng thắn và xây dựng

Thứ Hai, 27/11/2006, 09:30

Sáng nay (27/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục phần trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong ngày chất vấn thứ hai 25/11, phần trả lời của 4 Bộ trưởng: NN&PTNT; Tài chính; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo được người dân đặc biệt quan tâm với nhiều nội dung đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra trước Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân về việc quản lý và sử dụng tài sản công, nhà công khiến bầu không khí của hai phiên chất vấn trong ngày 25/11 trở nên nóng.

Nhà công: Đã giao khó trả!

Khái quát về tình hình quản lý, khai thác nhà công vụ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Nhà công vụ dùng cho các đối tượng là cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang khi điều động, luân chuyển sử dụng và được thuê, không được bán, không được chuyển nhượng, không được biếu, không được tặng. Khi người sử dụng nhà công vụ không còn thuộc các đối tượng được ở nhà công vụ thì trong thời hạn 3 tháng phải trả lại để bố trí cho cán bộ khác, tuyệt đối không được cho mượn, bán nhà công vụ.

Về việc công bố số liệu cụ thể tình hình bán nhà công vụ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thì với lý do: Bộ Xây dựng có chức năng quản lý Nhà nước về nhà chứ không quản lý "cái nhà". "Cái nhà" thuộc về cơ quan được giao hoặc chính quyền địa phương quản lý. Cũng viện dẫn quy định giống như Bộ trưởng Tài chính rằng, cán bộ phải trả lại nhà sau 3 tháng khi không còn được hưởng tiêu chuẩn nữa, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân lại lý giải những trường hợp dây dưa: Tuy nhiên, nhà là một tài sản lớn, không thể giải quyết một cách nhanh chóng được. Vì vậy, ở những tình huống, trường hợp cụ thể phải xem xét, giải quyết một cách có lý, có tình (!?).

Đối với những biệt thự, công thự được hoá giá quá rẻ thì xử lý sao? Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: Theo quy định của pháp luật là không hồi tố. Mọi vi phạm pháp luật trong quá trình bán nhà sẽ được xử nghiêm, còn nếu chỉ thấy rẻ mà muốn thu hồi lại thì không thể làm được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, nếu phát hiện sớm việc bán không đúng giá trị thực của ngôi nhà sẽ phải xem xét lại.

Vốn của tư nhân thì không có chuyện rút ruột (!)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thanh Vân (Hà Nội) về giải pháp của Bộ trưởng để ngành Xây dựng không còn mang tiếng là một trong những ngành được xếp hàng đầu trong việc để xảy ra lãng phí với hàng loạt công trình bị thất thoát, rút ruột, thậm chí công trình càng lớn, thất thoát càng nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: Là người đứng đầu, tôi sẽ nhận trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra. Tuy nhiên, cần nêu cao trách nhiệm của chủ đầu tư. Tiền của anh, anh phải giữ. Người nào cầm tiền đi đầu tư xây dựng, nếu xảy ra tiêu cực, người đó phải chịu trách nhiệm. Vốn của tư nhân thì không có chuyện rút ruột. Bộ Xây dựng hầu như không làm chủ đầu tư, không giữ tiền. Vì vậy, không thể đổ cho ngành Xây dựng, trách nhiệm này phải làm cho rõ ràng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, khi trách nhiệm của chủ đầu tư không được đề cao, rõ ràng sẽ dẫn đến xảy ra vấn đề về chất lượng. Các công trình công viên, kiên cố hoá trường học rất hay có vấn đề về chất lượng. Bộ luôn xác định với trách nhiệm quản lý Nhà nước, nếu còn có công trình kém chất lượng là mình còn trách nhiệm.

Khung giá đất của Chính phủ còn cao hơn địa phương

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính, đại biểu cho rằng khung giá đất vẫn chưa sát với thực tế. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, thực tế giá đất do các địa phương ban hành còn thấp hơn nhiều so với mức Chính phủ cho phép. Ông cho biết, sau khi ban hành khung giá đất, Luật và Nghị định có giao cho UBND thành phố các tỉnh là căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ quy định thực tế tại địa phương, để quyết định giá cụ thể của mình trong phạm vi được phép tăng hoặc giảm 20% so với giá tối đa và tối thiểu. Đất ở đô thị của Hà Nội hiện nay bố trí 54 triệu, trên khung của Chính phủ tối đa là 81 triệu, như vậy bằng 67%. Đất ở TP HCM, bố trí 43 triệu/81 triệu đồng, chỉ bằng 53%.

"Nói con số này để báo cáo với Quốc hội là trên thực tế các địa phương chưa sử dụng đến khung tối đa mà Chính phủ cho phép, khung này còn được tăng thêm 20% nữa. Đấy là trách nhiệm của địa phương (về việc điều chỉnh giá đất). Về trách nhiệm, chúng tôi đang nghiên cứu và đang thu thập thêm các thông tin, lấy ý kiến các địa phương để sửa Nghị định 187 trong thời gian sớm nhất" - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Đánh trượt hay làm ngơ?

Khi chúng ta siết chặt kỷ cương trong thi cử, tỷ lệ thi đỗ của học sinh THPT trong cả nước sẽ thấp, vậy Bộ sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Trả lời chất vấn này của đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề một cách khá sòng phẳng về thực tế đã và đang diễn ra: Sẽ có hai phương án đặt ra, một là kiên quyết đánh trượt những em học lực yếu, buộc các em học lại để có một nền kiến thức thật sự; phương án thứ hai là làm ngơ, những em không đủ trình độ vẫn cứ cấp bằng. Chúng ta chỉ được lựa chọn một phương án. Vậy rõ ràng sẽ phải chọn phương án để các em học lại. Điều đó sẽ giúp các em có kiến thức thật sự, vì nếu không có kiến thức thực chất sẽ rất nguy hại trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện Bộ đã có chỉ đạo cụ thể tới 64 sở giáo dục trong cả nước tổ chức thật nghiêm túc kỳ thi học kỳ một sắp tới. Từ kết quả này sẽ giúp Bộ có cái nhìn tổng thể, đánh giá và đề ra phương án thích hợp trong học kỳ hai và các năm học tiếp theo.

Sáng nay 27/11, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

B.Tuấn-Đ.Trường
.
.
.