Quốc hội thảo luận Luật Quy hoạch đô thị: Quy hoạch phải có tầm nhìn xa, đồng bộ...

Thứ Hai, 01/06/2009, 14:30
Tuần này (từ ngày 1/6 đến 5/6) tiếp tục là tuần làm luật của Quốc hội với các dự án sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; Luật Cơ yếu; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Dân quân tự vệ; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện;…

Dự kiến ngày 2/6, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cuối tuần trước, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, tuần này Quốc hội sẽ dành một buổi để thảo luận về tính hợp lý, khả thi của Đề án.

"Quy hoạch hiện tại chưa nhìn xa, chưa đồng bộ..."

Chiều 30/5 - phiên làm việc cuối cùng của tuần trước, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị. Theo đại biểu Lê Doãn Hợp (Hưng Yên), từ thực tiễn hạ tầng các đô thị Việt Nam, kể cả ở các thành phố lớn, còn nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục càng sớm càng tốt ngay từ quy hoạch, từ nhận thức, và từ tổ chức hành động.

Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp lấy ví dụ từ trận lụt lịch sử cuối năm 2008 ở Hà Nội, cho thấy khu vực phố cổ ít ngập hoặc không ngập chứng tỏ công tác quy hoạch ở khu vực này có tầm nhìn xa, trong khi nhiều khu phố mới chúng ta vừa xây dựng đều ngập, thậm chí ngập sâu và ngập lâu - "Chứng tỏ chúng ta thiếu khoa học, ít nhìn xa và trên thực tế là quy hoạch không đồng bộ".

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự luật quy định buộc các cấp có thẩm quyền khi phê duyệt xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và hạ tầng các công trình xây dựng công dụng và xây dựng dân dụng đô thị đều phải phê duyệt phương án ngầm hóa các công trình kỹ thuật theo phương hướng hiện đại để đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm đầu tư, đảm bảo an sinh, an toàn cho cộng đồng dân cư sống ở đô thị.

Bớt "khâu" hướng dẫn, luật vào cuộc sống nhanh hơn

Cũng về công tác quy hoạch, đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa -Vũng Tàu) nêu ý kiến khá xác đáng liên quan đến việc công bố quy hoạch. Đánh giá cao việc dự luật yêu cầu khá cụ thể việc công bố, công khai quy hoạch, cho đây là "điểm sáng" trong luật, nhưng đại biểu Trần Đình Nhã lại không đồng tình với việc giao cho Bộ Xây dựng một lần nữa quy định cụ thể về nội dung, hình thức công bố công khai của từng loại đồ án quy hoạch đô thị.

Theo đại biểu, không nên để phát sinh thêm "khâu" hướng dẫn thực hiện luật, vì như vậy sẽ dẫn đến những trường hợp vấn đề người dân cần biết sẽ chậm được thực hiện hoặc bị gây khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các ý kiến trên cần được cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét. Trong đó, cần rà lại các quy định về lấy ý kiến của nhân dân, về công bố công khai, về cung cấp thông tin của quy hoạch để đảm bảo các quy định của luật này đủ sự cần thiết, đầy đặn, rõ ràng, sát với thực tế hơn.

Đồng thời, chú ý thêm về tính cụ thể của luật, trong đó có vấn đề về kinh phí quy hoạch đô thị, những vấn đề về công trình ngầm khi phê duyệt đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp...

B.Tuấn-Đ.Trường
.
.
.