Quảng cáo trên mạng internet: Đụng đâu sai đó

Thứ Hai, 08/05/2006, 15:24

Theo Cục VHTT cơ sở - Bộ VHTT thì hiện nay, gần như 100% quảng cáo trên mạng đều vi phạm khi không xin phép Bộ VHTT như quy định (trừ quảng cáo ở báo điện tử do tổng biên tập chịu trách nhiệm). Hiện chỉ duy nhất hãng Unilever từng gửi mẫu đến xin phép theo quy định, nhưng giờ cũng không gửi nữa.

Với cách thức "tự tung tự tác" như vậy, hiện nay, cơ quan chức năng gần như không kiểm soát được nội dung các quảng cáo trên mạng. Quy định cũng không cho phép trang web của các cơ quan được phép quảng cáo, nhưng vào mạng của nhiều đơn vị vẫn thấy quảng cáo tùm lum, mà điển hình là trang web của một số ngành ở Hà Nội. Việc quảng cáo rượu trên 15 độ là vi phạm, nhưng trên trang web của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn ra. Có khá nhiều sản phẩm được quảng cáo mà không có một dòng tiếng Việt.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT, thì việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 43 của Bộ VHTT ban hành từ năm 2003, nhưng đến nay, cũng chưa xử phạt được vụ nào.

Điều 19 Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo, quy định: "Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính phải gửi sản phẩm quảng cáo đến Bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT) trước khi thực hiện ít nhất 10 ngày làm việc".

Còn về phía doanh nghiệp, anh Huỳnh Kiểu, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Cà Mau tâm sự: "Chúng tôi muốn quảng cáo sản phẩm của mình trên mạng, nhưng doanh thu không lớn đến mức đủ để cất công ra tận Hà Nội đưa trực tiếp sản phẩm quảng cáo tới Bộ VHTT. Còn gửi theo đường bưu điện thì biết còn, mất thế nào, chưa nói có đến được đúng trước 10 ngày như quy định không?".

Bà Đặng Thu Hương, Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty kinh doanh ở Hà Nội thì giãi bày: "Cũng chả ai muốn vi phạm, nhưng yêu cầu phải đưa sản phẩm 10 ngày trước khi quảng cáo với nhiều loại giấy tờ thủ tục, thì mất thời gian quá. Việc kinh doanh đâu chờ đợi được như vậy. Mà không thực hiện như quy định cũng thấy có sao?".

Các văn bản pháp quy chưa sát thực tế, hay chính xác hơn là chưa theo kịp tốc độ phát triển được tính từng phút, từng giờ của công nghệ thông tin, dẫn đến việc không phát huy được hiệu quả.  Bộ VHTT nên phân cấp quản lý cho các sở văn hóa tiếp nhận đăng ký sản phẩm quảng cáo trên mạng Internet, tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức khi quảng cáo, chứ không nên ôm đồm như hiện nay, vừa không quản được mà vừa khiến các doanh nghiệp "phải" vi phạm.

Trong thời kỳ hội nhập, việc mua bán trên mạng là quy luật tất yếu, kéo theo việc tự quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp. Nhưng nếu theo quy định hiện hành thì việc quảng cáo để bán hàng của một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, như doanh nghiệp sản xuất rượu tự quảng cáo sản phẩm trên trang web của chính họ thì sao? Cần phải tính đến việc sẽ quản lý chủ mạng là pháp nhân nước ngoài  như thế nào? Vấn đề quản lý quảng cáo bằng việc nhắn tin vào máy di động cũng đến lúc phải được đặt ra

Thanh Hằng
.
.
.