Quảng Trị: Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh “chui” sang lao động ở Trung Quốc

Thứ Bảy, 30/08/2014, 11:50

Chỉ tính trong tháng 2/2014, trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đã có 56 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong đó có 16 người bị Công an Trung Quốc bắt và giam giữ từ 1-2 tháng, sau đó mới được trả về nước.

Một số trường hợp sau khi vượt biên trái phép sang Trung Quốc đã được “môi giới” vào làm tại các cơ sở khai thác than, khai thác lâm sản, cơ sở sản xuất bóng đèn; hoặc được thuê phát nương làm rẫy. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc quá vất vả, lại phải luôn đối mặt với sự kiểm soát gắt gao của phía cơ quan chức năng Trung Quốc, nên nhiều người đã tìm cách bỏ trốn về nước…

Theo lời kể của anh Nguyễn Xuân Hữu, ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, sau khi cùng một số người trong thôn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, anh luôn cảm thấy bất an và thấp thỏm không yên; bởi nhiều trường hợp như anh đã bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Sau nhiều lần suy tính, anh Hữu quyết định bỏ trốn về nước.

Ước mơ đổi đời không thành, gia đình anh Hữu lại phải gánh thêm khoản nợ gần 12 triệu đồng đã chi cho chuyến… xuất ngoại trái phép. Để có tiền trang trải nợ nần và đảm bảo cuộc sống cho 4 miệng  ăn trong gia đình, vợ chồng anh Hữu đành vay mượn thêm tiền để đầu tư làm cao lá vằng. Công việc tuy vất vả, nhưng đã giúp vợ chồng anh có thu nhập đều đặn để ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Xuân Hữu (bìa trái) đang kể lại chuyến xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm.

Không được may mắn như anh Hữu, anh Nguyễn Thanh Giang, ở làng Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, là một trong số những người đã bị Công an Trung Quốc bắt giữ vì nhập cư trái phép. Sau gần 2 tháng bị giam giữ, đến giữa tháng 6/2014, anh mới được trả về Việt Nam. Ngoài số tiền gần 6 triệu đồng đã chi trả cho chuyến đi, anh Giang trở về tay trắng vì không được nhận tiền công trong hơn một tháng làm thuê...

Xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao mức sống gia đình là mong muốn của nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, không có công ăn việc làm ổn định, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật mà nhiều người đã nghe theo lời lừa phỉnh của các đối tượng xấu vượt biên trái phép sang Trung Quốc để rồi vi phạm pháp luật, rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng nhận định, một số đối tượng môi giới, đưa người trên địa bàn Cam Lộ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc có địa chỉ thường trú ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, TP Hà Nội. Các đối tượng này cấu kết với đối tượng ở địa phương rủ rê, lôi kéo người dân tham gia vào các chuyến xuất cảnh trái phép.

Vì vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này tiếp tục xảy ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, giúp họ hiểu rằng xuất cảnh trái phép là vi phạm pháp luật. Đối với những người có nhu cầu xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì cần đến cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn và thực hiện theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định

Nguyễn Thành Nam
.
.
.