Quảng Trị: Lâm tặc chặt rừng dữ dội
Biến bản thành nơi tập kết gỗ
Một ngày tháng 4/2009, chúng tôi có mặt tại bản Cợp, chứng kiến cảnh rừng già trên địa bàn bị chặt tan hoang, gỗ được xẻ thành phách, đường kính hơn 1m, dài gần 4m chất đống cao khắp nơi, từ khe suối, vệt mòn giữa rừng, trên những ngọn đồi và trong nhà dân. Bên cạnh là 2 xưởng cưa máy đồ sộ, được lắp đặt kiên cố, nằm ở trung tâm xã đang hoạt động hết công suất.
Sau khi qua mặt được các "vệ tinh" của những toán lâm tặc đang "cắm" ở bản Cợp, chúng tôi được người dân địa phương dẫn đường, nhằm đột nhập vùng rừng bị khai thác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dẫn đường, chúng tôi chỉ mục sở thị phần bìa rừng trên địa bàn bản Cợp.
Người dẫn đường chỉ tay chỗ khai thác, cho biết: "Thường là lâm tặc chuyển số cây cưa được ra các xưởng cưa, rồi mới xẻ thành phách, vận chuyển ra hướng QL9; còn như chỗ này, do cây rất to, khó vận chuyển nên lâm tặc xẻ ngay tại bãi, lấy đi phần gỗ tốt, để lại phần bìa". Theo ghi nhận của chúng tôi, những phách gỗ bìa này có đường kính từ 0,6 tới hơn 1m, dài 4-5m.
Ở một nơi khác, chúng tôi thấy nhiều phách gỗ còn tươi, dài hơn 3m, dày 10-15cm, với đường kính 60-80cm, được phủ lớp lá ở chỗ đôi lĩa (càng buộc vào cổ trâu). Theo vết gỗ do trâu kéo, chúng tôi thấy nhiều gốc gỗ lớn trơ trọi giữa rừng già; quanh đó vô vàn cây gỗ con bị đè gãy ngang thân, nhựa cây ứa ra tươi rói. Xa xa, tiếng cưa máy vọng lại inh ỏi.
Trở lại bản Cợp, chúng tôi thấy gỗ tập kết rất nhiều ở nhà dân. Bà con cho biết, đó là gỗ dỗi, gỗ trường..., chủ yếu do 2 thanh niên tên Sơn và Thế, quê ở Quảng Bình, vào "cắm bản" từ nhiều năm nay để chặt rừng. Ghé vào một nhà dân, chúng tôi được cô gái tên là Ăm Nít giới thiệu, đó là nhà của Ăm Rây, bố cô; gia đình được trả tiền mỗi khi liên lạc với khách mua gỗ.
Nói xong, Nít bấm máy điện thoại cho chúng tôi trao đổi với Sơn chuyện mua, bán gỗ. Đầu dây bên kia, giọng một nam thanh niên cộc củn: "Chờ đó, sẽ có gỗ". Lát sau, một thanh niên địa phương tới hỏi chúng tôi: "Mua gỗ gì? Dạo này gỗ dỗi hơi hiếm". "Giá bao nhiêu?", chúng tôi hỏi. "Một khối 4 triệu tại rừng, ra tới bản 8 triệu", người thanh niên đáp.
Ngành chức năng nói gì?
Chứng kiến những tấm hình ghi ở vùng rừng già bản Cợp bị tàn phá, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa sửng sốt: "Tôi rất tiếc và cũng thấy làm lạ, vì hiện tại các địa bàn trên đều có cán bộ Kiểm lâm của hạt phối hợp với chính quyền địa phương cắm chốt, tuần tra, kiểm tra". Ông này cho biết, rừng ở khu vực bản Cợp là rừng tự nhiên; việc khai thác rừng ở đây là hoàn toàn trái với pháp luật.
Trả lời chúng tôi về sự tồn tại của các xưởng cưa lớn trên địa bàn xã Pa Tầng, vị lãnh đạo trên nói: "Lực lượng Kiểm lâm của hạt quá mỏng, nên việc quản lý địa bàn đôi khi không bao quát hết được. Song phải thừa nhận, hầu hết những xưởng cưa ở Pa Tầng chưa được cấp giấy phép hoạt động".
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã bàn giao các khu rừng trên (rừng ở bản Cợp) cho cộng đồng quản lý, vậy nên chưa có số liệu cụ thể về tình trạng rừng bị chặt phá".
Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa cho biết, theo số liệu của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Quảng Trị, xã Pa Tầng có gần 1.000ha rừng thuộc các nhóm 3A1, 3A2… Tuy nhiên, từ năm 1998 đến nay, rừng này vẫn chưa được kiểm tra và thống kê lại