Quảng Nam: Đào trộm cả heo chết đi bán

Thứ Hai, 16/07/2007, 17:30
Trong khi các cấp các ngành tỉnh Quảng Nam này đang nỗ lực phòng chống và dập tắt dịch bệnh "tai xanh", thì không ít người chăn nuôi ở một số địa phương vô tư vứt heo chết xuống các dòng sông hoặc những nổng cát gây ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí một số người còn đào heo đã chôn để... đi bán.
 
>> Cấm chuyển lợn ra khỏi tỉnh Quảng Nam

Theo báo cáo của chi cục Thú y Quảng Nam, tính đến chiều 14/7, tại 40 xã thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố gồm (Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ) đã có 15.260 con heo bị nhiễm bệnh và chết do hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS), hay còn gọi là bệnh “tai xanh”.

Bán đổ, bán tháo heo bệnh

Xã Bình Đào là một trong những địa phương bị dịch nặng nhất của tỉnh. Chúng tôi có mặt trên tuyến sông Trường Giang, đoạn qua xã Bình Đào và Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào sáng 14/7. Tận mắt chứng kiến, chỉ trên khoảng 1km sông mà hàng chục xác heo được bỏ vào các bao tải trôi lềnh bềnh trên sông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân thuộc 2 thôn của xã Bình Đào đang sinh sống gần đoạn sông này, phải chịu hôi thối suốt mấy ngày qua.

Trước tình hình trên, chính quyền xã Bình Đào huy động 2 ghe và hơn một chục thanh niên xung kích đi dọc trên sông để vớt số heo trôi trên sông đưa về điểm tiêu huỷ, đồng thời dùng hoá chất phun tiêu độc.

Ông Trần Công Dũng, Phó ban chỉ đạo dập dịch - đội trưởng Đội thú y xã Bình Đào cho biết, hiện Bình Đào có tổng đàn heo 6.500 con, tính đến trưa hôm 13/7, số heo nhiễm bệnh và chết khoảng 1.500 con, trong đó đã tiêu huỷ và chôn 42 con.

Theo phản ánh của những hộ có heo bị chết, ít nhất 14 con heo nái đã chết và được đem chôn ở đội 5, thôn 3 xã Bình Đào, nhưng buổi trưa đem heo chôn, tối có một số kẻ đã đào heo lên mổ bụng để lại bộ lòng rồi chở thịt đem đi tiêu thụ nơi khác.

Một số người cho chúng tôi biết, thường thì thịt heo nái được các chủ lò bò khô và dăm bông rất chuộng (kể cả khi đã chết). Vì tiếc của, không ít hộ dân đã bán đổ, bán tháo heo bệnh cho những đầu nậu, mang đi bán cho các lò nem chả.

Sở dĩ các chủ chăn nuôi bán heo dịch là hiện nay chưa có một văn bản nào nói đến việc hỗ trợ cho những chủ có heo bị dịch. 

Không chỉ vậy, tại một số nơi của xã Bình Dương, nhiều hộ dân bức xúc cho biết, những ngày qua, hàng chục con heo chết đã bị những gia đình vô trách nhiệm vứt ngổn ngang trên những nổng cát. Và, khi kiểm tra thực tế, chúng tôi không khỏi rợn người khi thấy những con heo chết đang trong quá trình phân huỷ, dòi vây dày đặc, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Còn nhiều bất cập...

Riêng tại chợ heo Hà Lam (Thăng Bình), sáng 14/7, 600 con heo con của một số hộ buôn đang chuẩn bị vận chuyển đi thì bị lực lượng liên ngành của huyện Thăng Bình ách lại. Tuy nhiên, sau đó chính cán bộ thuế của huyện này xuống chợ đóng thuế số heo trên.

Điều nghịch lý, nếu cấm chợ, thì sao không cấm từ sáng sớm mà để đến khi các chủ buôn đóng vào giỏ mới ách lại, lại còn đóng thuế người buôn heo?

Cũng cần nói thêm, tại chợ heo này chúng tôi không hề thấy một bảng cấm buôn bán heo! Và, các hộ buôn bán tại chợ cũng không hề được thông báo về việc... cấm chợ! Chuyện thật như đùa này khiến hàng trăm con heo trị giá cả trăm triệu đồng phải phơi nắng suốt cả ngày, ai phải chịu trách nhiệm nếu đàn heo này say nắng mà chết?

Nói về nạn dịch, chị Trần Thị A. (đội 1, thôn 1, Bình Đào) than khóc: “Đàn vịt đẻ 300 con thì virus cúm A H5N1 thiêu rồi, chừ có 3 con heo nái thì cũng chết sạch, biết lấy gì đóng tiền cho con ăn học cho đây”. Không riêng chị A., hàng nghìn hộ khác cũng đang lâm vào cảnh khốn khó đến khánh kiệt.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, tuyệt đối nghiêm cấm việc vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, thắt chặt việc kiểm tra, kiểm soát. tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, heo bệnh cứ vận chuyển ào ạt. Thử hỏi, trước sự thờ ơ như vậy thì làm sao dập được dịch bệnh?

Theo Nguyễn Xuân Hoài (Gia đình&Xã hội)
.
.
.