Quân dân y tỉnh Kiên Giang đón danh hiệu Anh hùng LLVTND

Thứ Hai, 26/12/2005, 07:10
Ngày 22/12, Tỉnh ủy, UBND và Tỉnh đội tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đơn vị Quân dân y tỉnh Kiên Giang, nay thuộc Quân y Tỉnh đội tỉnh Kiên Giang, vì đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Quân dân y với số người có hạn đã hết sức vất vả, "tay thuốc, tay súng" chiến đấu để bảo vệ thương binh như những chiến sĩ chủ lực...

Nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân mà mọi khó khăn, thiếu thốn đều vượt qua. Trạm Quân y tiền phương tỉnh Rạch Giá, suốt 13 năm liền (1962-1975) bám trụ rừng tràm và hang động Ba Hòn làm cơ sở điều trị, phẫu thuật bảo vệ an toàn cho hàng ngàn thương bệnh binh. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu 78 ngày đêm bảo vệ thương binh năm 1968 và 132 ngày đêm chiếu đấu năm 1971. Những người "thầy thuốc chân đất" đã nhịn đói, nhịn khát, phẫu thuật vết thương trong hang sâu phải dùng dép râu đốt làm ánh sáng.

Trong những ngày cạn lương thực, các thầy thuốc ngày quan sát tìm điểm quân y của địch để đêm tập kích lấy thuốc, lấy súng đạn của địch đánh lại địch, bảo vệ thương bệnh binh. Mới 13 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Kiến vì bức xúc trước cảnh những thương binh thiếu thốn thuốc điều trị đã giành súng chiến đấu mở đường, diệt nhiều tên địch và anh đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đội phẫu thuật vùng B, chiến đấu 13 trận, bảo vệ thành công 350 thương binh nặng. Trong chiến đấu còn có những gương tiêu biểu như y tá Nguyễn Thị Nho, đã giả làm thương buôn, sử dụng xuồng hai đáy chuyển hàng tấn thuốc quý hiếm từ thị trường tự do đưa về vùng căn cứ, kịp thời chữa trị cho thương binh….

Với phương châm "Cần gì học nấy - Cầm tay chỉ việc - Vừa học vừa chiến đấu", Quân dân y Kiên Giang còn mở lớp đào tạo cơ bản cho 1.730 y tá phục vụ chiến trường. Chỉ tính riêng giai đoạn 10 năm (1965-1975) đã cứu chữa 26.950 lượt người; trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1977-1989) cứu chữa 26.670 lượt người. Trong khó khăn, Quân dân y tỉnh còn dùng đồ phế liệu chiến tranh để sản xuất thành dụng cụ y tế. Rồi từ những bài thuốc truyền miệng trong dân gian, Quân dân y còn sản xuất nhiều loại thuốc đông dược sử dụng đạt hiệu quả như: cao Giải phóng, thủy phân đường cát để sử dụng trong truyền dịch…

Đến nay, trong lực lượng Quân dân y, nhiều người trưởng thành, được đào tạo chính quy và trở thành cán bộ chủ chốt của các đơn vị y tế tỉnh nhà

P.V.
.
.
.