Phú Yên: Một buôn làng dân tộc thiểu số có… 7 cử nhân
Rời thị trấn Hai Riêng, huyện miền núi Sông Hinh một ngày đầu tháng 7, ngược vào hướng Nam trên con đường chừng ba cây số, chúng tôi vượt qua chiếc cầu bê tông bắc ngang con suối Ea Thong Plum, vào tới buôn Hai K'rông, xã Ea Bia trên con đường nhựa len lỏi giữa hai dãy nhà sàn, mái ngói đỏ tươi trong nắng sớm ngọt lành tiếng chim rừng và trong xanh bầu trời giữa hạ.
Từ trên ngôi nhà sàn giữa buôn, già làng Ma Vi và buôn trưởng Ma Thá bước xuống ôm chầm Đội trưởng Đội Cảnh sát phụ trách an ninh trật tự xã thuộc Công an huyện Sông Hinh, như ôm đứa con ruột thịt của buôn làng. Ở tuổi 75, nhưng dáng dấp già làng Ma Vi vẫn còn khỏe mạnh. Ông vận động lũ làng không nghe lời kẻ xấu, mà phải đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi mới no cái bụng, ấm cái lưng…
Ông Mai Tình Nguyện - Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Sông Hinh cho biết, buôn Hai K'rông không chỉ có 100% trẻ em đủ tuổi đi học đều đến trường, mà còn hoàn thành phổ cập tiểu học, thanh toán dứt điểm nạn mù chữ, đồng thời là làng văn hóa tiêu biểu nhất của huyện Sông Hinh.
Già làng Ma Vi khoe: "Hai đứa con trai của tôi, một đứa là Lê Mô Tu, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, hiện là bác sĩ chuyên khoa cấp 1 của Bệnh viện huyện Sông Hinh; một đứa là Lê Mô Y Ngưu, đang công tác ở Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Phú Yên. Còn một đứa cháu nội là Y Trưng, sinh viên năm thứ ba Khoa Sư phạm Đại học Quy Nhơn. Không nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư chính sách giáo dục, chắc giờ này mấy đứa nó còn làm rẫy".
Trong câu chuyện chân tình cởi mở, chúng tôi hỏi về việc một số đồng bào nhẹ dạ cả tin nghe theo kẻ xấu, đi theo cái gọi "Tin lành Đề Ga", già làng Ma Vi khẳng định: "Ở buôn Hai K'rông tuyệt đối không một ai nghe theo luận điệu của những kẻ lừa bịp". Ông cho biết thêm: "Cách đây ba năm, Ma Drai, Oi Mai và Ma Mai ở buôn Dành B bị mắc lừa, bỏ công việc nương rẫy, lén lút theo Tin lành Đề Ga. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhờ có cán bộ Công an cùng các tổ chức đoàn thể giáo dục, giải thích rõ những âm mưu thủ đoạn đen tối của địch, nên Ma Drai, Oi Mai và Ma Mai đã thức tỉnh và sám hối…".
Thật vậy, không riêng ở Hai K'rông, mà hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên đã nhận diện rõ Ksor Kớk chỉ là một phần tử phản động cực đoan, đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Rời Hai K'rông, tôi nhớ mãi câu nói của buôn trưởng Ma Thá: "Buôn làng mình có đất đai nương rẫy, mình phải chịu khó sản xuất mới xóa đói, giảm nghèo. Không có Nhà nước Đề Ga nào lo cho mình đâu"