Phòng, chống cúm A/H7N9: Việt Nam đã "kích hoạt" hệ thống y tế toàn quốc

Thứ Ba, 18/02/2014, 09:01
Ngày 17/2, đã có 10 tỉnh công bố dịch cúm gia cầm, tiếp tục dấy lên lo lắng về dịch cúm gia cầm lây sang người. Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh để bàn biện pháp ứng phó trước sự gia tăng của dịch cúm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long không giấu được lo ngại: Trong khi bệnh cúm A(H5N1) đang diễn biến phức tạp ở nước ta với 2 người đã tử vong trong tháng 1/2014, thì cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn chưa thấy điểm dừng, bởi số lượng mắc vẫn tăng nhanh: chỉ riêng hơn 1 tháng của năm 2014, đã có thêm 182 trường hợp.

Đặc biệt, cúm A(H7N9) có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, khi số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam, trong khi cúm A/H1N1 và cúm A/H7N9 vẫn chưa có vaccin phòng bệnh. Tính đến nay, đã có 338 người bị nhiễm cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan với tỉ lệ tử vong cao: 66 trường hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh nguy cơ xâm nhập các trường hợp cúm A(H7N9) vào Việt Nam là rất lớn. Bởi, dịch không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc, mà xuất hiện những ca bệnh ở Hồng Kông, Đài Loan do đi từ các tỉnh có ổ dịch từ Trung Quốc về. Dịch đã xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông với 7 trường hợp mắc, mà đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Việc giao lưu, đi lại của người Việt Nam ở Trung Quốc rất phổ biến, nên có thể có những trường hợp người Việt Nam bị mắc cúm A(H7N9) khi sang du lịch, buôn bán tại Trung Quốc.

Vì thế, Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị các tỉnh đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt lưu ý tới khách du lịch đi đến những vùng có ổ dịch; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được chế biến hợp vệ sinh và không ăn tiết canh. Các tỉnh cũng được khuyến cáo về tăng cường điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống, nhằm hạn chế tối đa việc lây sang người.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với dịch cúm A(H7N9).

Để nâng cao cảnh giác trong nhân dân về đối phó với cúm A/H7N9, Việt Nam, WHO, FAO đã có thông cáo chung cho biết: Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt tất cả hệ thống y tế trên toàn quốc và tăng cường giám sát, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm đầu tiên. Trung tâm Cúm quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm, để chẩn đoán virus cúm A(H7N9) trên người. Các bệnh viện đã được chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát lây nhiễm, báo cáo và theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng, cũng như chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị và phòng cách ly cho việc điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: WHO và FAO cùng các đối tác đang hỗ trợ Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT Việt Nam giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán và truyền thông nguy cơ, cũng như chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế. TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và ông Jong Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đều khẳng định: WHO và FAO ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và những thông điệp mà Việt Nam đã đưa ra trong việc ứng phó với cúm A(H7N9). Mặc dù chưa phát hiện cúm A(H7N9) tại Việt Nam, WHO và FAO vẫn kêu gọi đề cao cảnh giác hơn nữa.

Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo với người dân về cách phòng, chống cúm A(H7N9) tại cộng đồng. Theo đó, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Ngay khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Bộ Công an: Xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch cúm A(H7N9)

Trước diễn biến đáng lo ngại về cúm A(H7N9), Bộ Công an đã thành lập BCĐ phòng, chống đại địch cúm ở người, do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực làm Trưởng ban.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an): BCĐ đã hoàn tất “Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A(H7N9)” trong từng tình huống. Theo đó, khi chưa có dịch, lực lượng CAND phải phối hợp chặt chẽ với y tế các địa phương giám sát, phòng chống bệnh cúm A(H7N9). Công an các tỉnh biên giới cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm của động vật qua biên giới, có biện pháp xử lý nghiêm khắc; phối hợp cùng các lực lượng kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh chủ động nắm, phân loại và cung cấp danh sách hành khách đến Việt Nam qua cửa khẩu hàng không từ vùng có ca bệnh, để thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, xử lý y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc và giám sát y tế số người này thời gian cư trú tại Việt Nam. Các bệnh viện (BV), bệnh xá chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân.

Trong trường hợp đã có người nhiễm cúm A(H7N9), hoặc bệnh nhân là CBCS, CNV trong Công an, các BV, bệnh xá tổ chức các khu vực cách ly riêng để điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9).

Với tình huống có trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp, lực lượng Công an phải đáp ứng nhanh việc khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất dịch lây lan; triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân và CBCS CNV Công an trong khu vực ổ dịch.

Trường hợp dịch bùng phát trong cộng đồng hoặc tại Công an các đơn vị, địa phương, BCĐ phòng, chống dịch cúm A(H7N9) ở người của Bộ Công an họp hằng ngày để chỉ đạo khẩn cấp. Thành lập Tổ công tác đặc biệt ở Công an các đơn vị, địa phương để thực hiện công tác nắm tình hình dịch bệnh 24/24h. Thiết lập đường dây nóng giữa BCĐ của Bộ Công an với ngành Y tế và chính quyền các cấp, nhằm tăng cường thông tin, trấn an quần chúng, vận động nhân dân thực hiện các khuyến cáo phòng, chống bệnh dịch. Lực lượng Công an phối hợp với các bộ/ngành để hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân cũng như CBCS, CBV Công an, các đối tượng do Bộ Công an quản lý, không để rối loạn các hoạt động kinh tế - xã hội. Triển khai kịp thời các biện pháp đảm bảo ANTT trong thời gian xảy ra dịch, đặc biệt tại các vùng có dịch. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế, thi hành các biện pháp cách ly, khoanh vùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan; áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc với các CBCS trong khu vực ổ dịch. Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam về phòng, chống dịch cúm A(H7N9); trường hợp bắt buộc thực hiện các biện pháp cách ly CBCS phải chấp hành nghiêm.

Các cơ sở y tế trong lực lượng Công an sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phối hợp của ngành Y tế trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Trường hợp dịch lan rộng dẫn đến quá tải các cơ sở điều trị của ngành, cần huy động các khoa lâm sàng khác tham gia, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến cho phù hợp.

Dạ Miên

Trước nguy cơ dịch cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát thành dịch lớn nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9), nhằm hạn chế thấp nhất tử vong:

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người: Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người: Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ: Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng: Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

T.H. - V.H.
.
.
.