Phòng, chống bạo hành trẻ em trong gia đình

Thứ Sáu, 05/06/2009, 16:02
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích, trẻ em TP HCM, từ năm 2005 đến 2007 có 1.200 trẻ em ở thành phố bị thương tích do bạo lực trong gia đình và xã hội phải nhập viện. Tuy nhiên, trong thực tế, con số bạo hành trẻ còn cao hơn vì nhiều lý do  khách quan mà các vụ bạo hành chưa được đưa ra trước công luận. Nhiều gia đình đã không còn thực sự là "mái ấm" dành cho các em chỉ vì sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ, thiếu tuổi thơ bởi chính sự đối xử của các bậc sinh thành.

Những đứa trẻ bất hạnh vì cha mẹ

"Cô đừng có chụp hình, đưa lên báo, bố chúng nó nhìn thấy thì lại no đòn với ông ấy…", chị Lê Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM vội xua tay khi chúng tôi đưa máy chụp hình bốn mẹ con chị Võ Thị Ng.H. Ba đứa con chị H., cháu lớn nhất 14 tuổi, cháu út mới 4 tuổi nhưng chuyện bị cha say xỉn về đánh đập, chửi bới... đã trở thành chuyện thường xảy ra. Hội Phụ nữ, Tổ dân phố đến can thiệp, ông chồng chỉ ậm ừ cho qua, thậm chí còn đánh mạnh tay hơn vì cho rằng dám đi "tố" chuyện gia đình với người ngoài.

Trường hợp của ba đứa trẻ, con của vợ chồng chị Võ Thị Ng.H. không phải là cá biệt ở xã Bình Thạnh.

Chị Lê Thị Cẩm Nhung cho biết: Cũng không riêng gì xã Bình Thạnh, hầu hết các xã, phường ngoại thành, hứng lên là rủ nhau… nhậu ngồi suốt từ sáng đến đêm được.Và những trận đòn cho lũ trẻ lúc người cha khật khưỡng trở về. Nhiều trường hợp chính quyền, đoàn thể gọi lên nhắc nhở, thậm chí đưa đi "học tập" mất vài tháng trời nhưng khi trở về còn "lên mặt" thách thức.

Tại quận Tân Bình, có trường hợp chúng tôi được chứng kiến còn kinh hoàng hơn. Anh T. mắc chứng nghiện rượu không làm chủ được mình. Nhiều lần, anh vác dao đuổi vợ, tự nhốt mình và hai đứa con nhỏ trong phòng khiến hai đứa trẻ khóc thét cả lên... Mỗi lần như thế, cách duy nhất là gia đình gọi… Công an. Chỉ nghe hoặc thấy tiếng người Công an phường, nói gì anh ta cũng vâng, dạ hết nhưng chỉ được một, hai ngày là đâu lại hoàn đấy.

Làm cha mẹ cũng cần học

Lý giải tình trạng bạo hành trẻ em kéo dài trong gia đình, chị Lê Thị Cẩm Nhung cho biết: Ban đầu, rất nhiều bà mẹ không muốn hợp tác với các cơ quan đoàn thể vì sợ bị chồng đánh. Nếu làm ầm ĩ lên, chồng bị phạt hành chính nhưng "của chồng công vợ", gia đình vẫn mất đi một số tiền. Đó là chưa kể lỡ chồng bị đưa đi học tập thì gia đình mất đi một nhân lực lao động…

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Kim Bắc, Trung tâm Tư vấn FDC, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức hạn chế về vai trò, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, làm công tác giáo dục, do hoàn cảnh sống, do thiếu hiểu biết, thiếu chuyên môn dẫn tới việc thiếu kỹ năng nuôi dạy, giáo dục trẻ.

Trong số các cuộc điện thoại của các bậc cha mẹ đến với trung tâm tư vấn, phần lớn đều than phiền con cái "cứng đầu", không chịu nghe lời cha mẹ, hoặc có thái độ chống đối mà bản thân họ không hiểu vì sao. Khi tìm hiểu sâu thêm mới hay toàn bộ việc chăm sóc con cái họ đều giao cho người giúp việc... 

Việc bạo hành trẻ em trong gia đình đã, đang gây nhiều hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe lẫn tâm lý dẫn đến sự phát triển lệch lạc về tính cách, sa sút về đạo đức của trẻ, nặng hơn  là bị sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài, có khi là nguyên nhân đẩy trẻ tìm đến cái chết... Làm thế nào để phòng. chống bạo lực trẻ em trong gia đình?

Thời gian qua, đã có khá nhiều cách làm được đưa vào thực tiễn cuộc sống: Huy động các đoàn thể địa phương vào cuộc, áp dụng các chế tài xử phạt… Theo các chuyên gia, cách phòng, chống hiệu quả nhất vẫn là việc bổ sung thêm kỹ năng sống, kỹ năng dạy dỗ con cái và sự kiên nhẫn của các bậc cha mẹ

N.Hoa
.
.
.