Phát áo phao miễn phí nhưng không dùng

Thứ Ba, 06/11/2007, 14:45
Vào giờ cao điểm học sinh tới trường, tại một bến đò thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nhiều chủ đò ngang nhiên sử dụng thuyền con không đúng quy định như thuyền tay chèo rộng chừng 10m2 để chở gần 20 học sinh qua sông mà không hề trang bị phao, áo phao cứu sinh.

Cuộc vận động Người đi đò mặc áo phao (do Ủy ban ATGT quốc gia phát động) bắt đầu được thực hiện từ tháng 6 năm 2005, và đến nay đã triển khai được tại gần 30 địa phương; cấp phát hơn 10.000 áo phao cứu sinh cho các bến đò ngang.

Đoàn kiểm tra việc thực hiện mặc áo phao khi đi đò do Đội TTGT đường thuỷ nội địa số 1 và số 4 đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai và Thái Bình.

Kết quả, tại 40 bến đò đã được phát miễn phí áo phao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (10 bến), Tuyên Quang (18 bến) và Lào Cai (12 bến) thì 100% khách đi đò không mặc áo phao. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, kiểm tra 44 bến đò thấy chỉ có khoảng 27% khách mặc áo phao khi đi đò.

Có mặt tại một bến đò thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vào giờ cao điểm học sinh đi qua sông tới trường, tận mắt chứng kiến cảnh tình trạng chủ đò chở quá tải và học sinh không mặc áo phao khi qua sông mới hay sự an toàn của người dân đi đò nơi đây đang thực sự bị đe dọa.

Nhiều chủ đò ngang nhiên sử dụng thuyền con không đúng quy định như thuyền tay chèo rộng chừng 10m2 để chở gần 20 học sinh qua sông mà không hề trang bị phao, áo phao cứu sinh. Vì thuyền nhỏ, ván đẩy xe chưa trang bị nên học sinh phải lội nước xuống thuyền, một số học sinh khác vừa đứng trên thuyền vừa giữ xe khiến nguy cơ mất thăng bằng rớt xuống sông luôn rình rập.

Tại một bến đò khác, vì chưa đến giờ xuất phát nên chủ đò đã để hàng chục học sinh ngồi đợi trên thuyền. Mặc dù số lượng áo phao khá nhiều nhưng chủ đò vẫn không phát đủ cho học sinh. Do đò quá tải nên học sinh vừa ngồi vừa phải cố bám lấy thành đò cho khỏi ngã và bớt chòng chành.

Một học sinh bộc bạch: "Phần lớn học sinh ở đây không biết bơi, thi thoảng nhà đò mới đưa áo phao cho mặc, nếu đắm đò phân nửa các bạn trên thuyền chắc sẽ gặp nguy hiểm. Biết nguy hiểm là thế, nhưng đây lại là phương tiện giúp chúng em đi lại nên bọn em đành cố".

Được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có hơn chục bến đò ngang được cấp giấy phép hoạt động, phần lớn các bến đò đều có học sinh đi qua, nhiều nhất là bến Trung Hiếu Thượng và Trung Hiếu Hạ qua sông Đáy.

Lý giải về việc hơn 10.000 chiếc áo phao được phát miễn phí cho các chủ đò, bến đò nhưng khách đi đò vẫn không mặc áo phao, Phó Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam cho biết: "Đúng là qua đợt kiểm tra đột xuất thực tế tại tất cả những địa phương đã phát động cuộc vận động, chúng tôi thấy tỷ lệ người đi đò mặc áo phao rất thấp".

Nguyên nhân là do đặc điểm thời tiết, khí hậu… nên người đi đò, nhất là các em học sinh rất ngại mặc áo phao vì sợ bẩn quần áo cũng như mất thời gian mặc vào, cởi ra. Trong khi đó, chủ bến đò, chính quyền địa phương lại không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và đáng nói là chưa có biện pháp hữu hiệu để thực hiện những cam kết của mình.

Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, cũng là để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi đi đò, nhất là trong mùa mưa bão, thiết nghĩ thời gian tới, Cục Đường sông phải tăng cường kiểm tra thực tế, phối hợp và đôn đốc chính quyền địa phương, chủ đò thực hiện trách nhiệm của mình như đã cam kết; đề nghị chính quyền địa phương tổ chức vận động các doanh nghiệp trên địa bàn, các tổ chức xã hội tài trợ trang cấp áo phao cho các bến đò.

Bên cạnh đó cũng cần đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các bến đò, chủ đò không thực hiện đúng cam kết, vi phạm Luật GTĐT nội địa

Thanh Huyền
.
.
.