Phận nữ mưu sinh ở chợ đêm Long Biên

Chủ Nhật, 14/10/2012, 22:26
Tại Hà Nội hiện có hàng nghìn phụ nữ di cư đang mưu sinh tại khu vực chợ Long Biên. Để kiếm sống, họ làm những công việc nặng nhọc, bất kể ngày đêm như bốc vác, gánh hàng, kéo xe… với muôn vàn khó khăn, thách thức…

Dãy nhà của những người làm thuê trọ ở bãi Phúc Xá, ngay sau chợ Long Biên, Hà Nội ẩm ướt, lụp xụp. Cuối buổi trưa, đầu chiều, đó là giờ đi làm về của những người làm thuê nên không khí nấu nướng, ăn uống tấp nập, rộn ràng hơn. Tôi hỏi chuyện một phụ nữ trung niên đang nấu cơm trên bếp. Chị vừa nấu cơm vừa kể chuyện… 

Chị tên Vui. Hai vợ chồng lên Hà Nội làm đã hơn 10 năm. Quê ở Ân Thi, Hưng Yên. Ruộng ít quá, phải lên Hà Nội kiếm sống. Ở quê có hai đứa con gái còn đang đi học. Chị vẫn là lao động chính. Còn chồng chị bé nhỏ, lại sức khỏe yếu, mặc dù lên Hà Nội làm nhưng anh chỉ làm phụ người khác. Những lúc có người thuê đẩy xe hoặc phụ giúp việc vặt thì anh làm.

Chuẩn bị bữa cơm sau giờ làm việc mệt nhọc từ đêm hôm trước.

Chị cho biết, ban đầu lên Hà Nội, chị làm nghề bán thuê. Bán cá, bán tôm khô thuê. Nhưng sau, thấy làm nghề này phải bán suốt ngày, lại bị cái mùi nó ám nên làm một thời gian chị bỏ, chị đi gánh hoa quả mướn.

Mỗi buổi đi làm chị kiếm được 100 nghìn đồng. Cứ 10h tối là mang cái đòn gánh ra chợ Long Biên. Ai thuê gì thì gánh. Nhưng chủ yếu là gánh hoa quả. Những thùng hoa quả được đóng bằng gỗ. Cứ gánh mỗi bên 1 thùng (mỗi gánh nặng khoảng gần 1 tạ) từ trên xe ra bến là được trả 10 nghìn đồng. Cứ như thế mỗi đêm cũng được 100 ngàn đồng. Sáng ra chị lại về nhà và nghỉ ngơi, nấu nướng, ăn uống. Mỗi tháng dành được 3, 4 triệu đồng mang về nuôi con.

Không những làm ăn vất vả, thức trắng cả đêm đi gánh hàng thuê, mà nhiều lúc chị còn bị trộm mất hàng. Cứ quẩy đôi quang gánh, kẻ trộm thì nhè đằng sau lấy trộm. Những lúc mất như thế, chỉ còn có nước đền tiền cho chủ.

Thế còn thuê nhà, tiền ăn uống thì sao? – Tôi hỏi chị. Chị cho biết, vì là đã xác định lên Hà Nội làm ăn là để kiếm tiền mang về quê nên không thể chi tiêu nhiều, mà phải rất tiết kiệm. Căn phòng các chị thuê rất tồi tàn, ẩm ướt. Chỉ là một dãy nhà bằng xi măng xây lên tạm bợ. Mà có lẽ dãy nhà này xây đã lâu lắm rồi, nó cũ rỉ, quanh năm ẩm mốc, rêu mọc khắp nơi và thiếu  ánh sáng.

Bước qua dãy nhà trọ mà cửa nhà nào cũng đang còn đóng im ỉm, vì họ đi làm đêm về, ngày còn đang tranh thủ ngủ. Tôi lên cầu thang tầng 2. Chị Thúy vừa quẩy đôi quang gánh về “nhà”. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra, căn phòng chị thuê ở dưới mức tồi tàn. Những tấm ván kê sát nền, giường chiếu, quần áo, rồi xoong nồi để lung tung. Nhìn có thể thấy các chị chẳng để ý chút gì đến cuộc sống cho mình, “nhà” ở đây chỉ là nơi ghé lưng cho đỡ mỏi, ăn uống, nghỉ ngơi hết sức tạm bợ. Có lẽ tất cả cuộc sống, ước mơ của chị là những đứa con nơi quê nhà… Ăn uống sao cũng được, nghỉ ngơi sao cũng được, miễn kiếm được đồng tiền gửi về nuôi con. Chị Thúy, 35 tuổi, có 2 đứa con nhỏ; chồng thì cờ bạc, rượu chè nên chẳng nhờ vả được gì.

Đi làm mỗi tháng được 3 - 4 triệu đồng, 4 chị em ở chung một căn phòng giá 800 nghìn đồng, vậy là mỗi người hết 200 nghìn đồng tiền ở, còn tiền ăn uống thì tiết kiệm tối đa. Gạo thì mang ở quê lên, còn thức ăn có khi chỉ ít lạc rang hoặc món rau, thế là xong bữa.

Tuy phòng trọ ẩm ướt thế, nhưng với các chị là vẫn hạnh phúc, vì nhiều chỗ khác họ còn phải dùng nước giếng khoan, còn ở đây các chị được dùng nước máy đàng hoàng – chị Thúy vui vẻ, vừa nói chị vừa đi tra nồi cơm, rửa rau nấu bữa trưa.

Tôi nhìn đồng hồ. Lúc này đã là hơn 12h trưa. Vậy là các chị đã làm việc từ đêm hôm qua tới giờ, nhưng gương mặt ai cũng vui vẻ, rạng rỡ, không thấy chút gì là mệt mỏi. Khu bếp chung, vệ sinh chung rộn ràng tiếng nói, cười.

Một góc nhà trọ của những người lao động ở bãi Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Tuy vậy, cuộc sống tinh thần lại không mấy được tốt. Các chị đi làm đêm, ngày về lại tranh thủ ngủ nên không mấy khi xem tivi, mà thực ra là cũng chẳng có đài, chẳng có tivi. Thỉnh thoảng gặp nhau khi nấu cơm, hoặc cùng giặt giũ, nấu nướng, chuyện trò với nhau vài câu chứ thời gian đâu mà nói chuyện – các chị cho biết.

Tuy vất vả như vậy nhưng các chị không hề muốn nghỉ ngơi, không hề muốn mất ngày công lao động. Nghỉ ngơi thì ai cho 100 nghìn đồng? Vậy là đi làm quanh năm suốt tháng, lao động vất vả, ăn uống khổ cực nhưng cũng không vì thế mà muốn nghỉ ngơi, vẫn muốn kiếm được đồng tiền. Chị Thúy chỉ sang chiếc phản nhỏ bên cạnh: “Chị nằm giường cạnh em đây, bị bệnh khớp, mỗi ngày trung bình mất 17 nghìn đồng tiền thuốc, nhưng có muốn nghỉ đâu. Vì uống thuốc vào lại đi làm, vẫn phải kiếm tiền nuôi con”.

Chị L. lại lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề đồng nát, hiện đang trú tại khu dân cư lao động ở phường Phúc Xá, quận Long Biên. Ngoài thời gian lao động, chị còn tham gia vào sinh hoạt ở Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light). Hiện là trưởng nhóm của nhóm người lao động ngoại tỉnh có sinh hoạt nhóm tại Trung tâm CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên).

Làm trưởng nhóm, tức là có nhiệm vụ tìm hiểu, động viên, chia sẻ với những chị em cùng sinh hoạt trong nhóm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ cũng như giúp đỡ họ khi họ gặp phải những điều không may trong cuộc sống. Chính vì thế mà chị L ngoài thời gian làm ăn, một tháng đôi lần chị còn đi họp ở Trung tâm CSAGA để báo cáo tình hình nhóm, rồi nhận công việc về  phổ biến lại cho các chị em trong nhóm.

Hai anh chị xa quê hương Hải Hậu, Nam Định lên Hà Nội kiếm sống. Cuộc sống đối với chị quá bất công. Sinh ra hai người con trai, đứa đầu đã học Đại học Hàng hải rồi, chẳng may bị tai nạn, qua đời; giờ anh chị chỉ còn đứa con trai thứ 2, đã có gia đình, nhưng đời sống còn khó khăn. Chồng thì ốm đau liên miên, lại bệnh tình nên hay hành hạ vợ. Chị buồn. Có thời gian đã định bỏ quê vào tận Lâm Đồng làm rẫy, nhưng nghĩ vì chồng, vì con nên chị ở lại. Còn nếu vì chấp cứ anh ấy thì chị đã bỏ đi lâu rồi. Giọng chị lại bùi ngùi.

Khác với những người phụ nữ khác, làm nghề đồng nát lại phải đi làm ban ngày. Tối mới về nhà. Hai vợ chồng thuê căn nhà tạm bợ sống qua ngày để kiếm tiền cho gia đình. Chị về trước, nấu nướng, cơm nước. Còn chồng chị, khoảng 9 giờ tối anh mới về đến nhà. Đó cũng là thời gian mà chồng chị chở chuyến xe ôm cuối cùng trong ngày để trở về ngôi nhà trọ sum họp gia đình.

Tạm biệt những phòng trọ tối tăm và buồn, ở đó vẫn có những phận người phụ nữ vất vả kiếm sống. Nhưng dù tồi tàn, tối tăm nhưng đó là chỗ nghỉ ngơi, là nơi trú ngụ cho những người phụ nữ đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, vất vả, mong kiếm đồng tiền để gửi về quê nuôi con cái ăn học...

Khánh Linh

.
.