Phấn khởi trước ngày trở thành công dân TP Huế
Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, việc mở rộng TP Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, theo đó đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với TP Huế là “hạt nhân” trung tâm.
Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) trước ngày sáp nhập vào địa giới hành chính TP Huế. |
Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh để mở rộng TP Huế theo trục kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương, ngoài phát huy thế mạnh về các di sản, di tích thu hút du khách, Huế còn phát huy được thế mạnh về dịch vụ - du lịch, dịch vụ sinh thái, du lịch biển... Khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà còn trở thành đô thị có đủ địa hình đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi, có đầy đủ tất cả các lợi thế để phát triển. Hiện, TP Huế có diện tích 70,67km2, dân số 354.124 người.
Sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng TP và sắp xếp, thành lập các phường, diện tích TP Huế sẽ tăng lên 265,99km2 (tăng 3,8 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần). Như vậy, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương (thị xã Hương Trà); 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) sẽ thuộc TP Huế…
Những ngày này, hàng chục ngàn người dân ở các vùng nông thôn của các huyện, thị của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn khởi, háo hức khi ngày trở thành công dân TP đang đến gần. Về xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà), chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân phố cổ Bao Vinh dường như sôi động hơn trước. Ai cũng hy vọng sau khi được sáp nhập vào TP Huế, đời sống người dân nơi đây và cơ sở vật chất, hạ tầng của địa phương sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Theo Thiếu tá Lê Quang Huy, Trưởng Công an xã Hương Vinh, toàn xã có diện tích 7,14km2, với 8 thôn được sáp nhập vào TP Huế. Những ngày qua, lực lượng Công an xã đã tập trung rà soát lại địa bàn, nắm kỹ từng hộ dân, từng nhân khẩu trên địa bàn. “Khi biết thông tin, xã sắp lên thành phố, người dân rất phấn khởi và hồi hộp. Trong khi đó, cán bộ xã cũng đã có sự chuẩn bị, trang bị thêm kiến thức công nghệ thông tin để khi “lên” TP Huế sẽ làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn”.
Xác định, sau khi lên phường, tình hình ANTT ở các địa bàn giáp ranh sẽ gặp nhiều khó khăn nên lực lượng Công an xã Hương Vinh cũng như Công an các xã, thị trấn sắp “hòa mình” vào TP Huế đều nỗ lực bám sát địa bàn để tình hình ANTT luôn được giữ vững, đem lại bình yên cho người dân.
Những ngày trung tuần tháng 6/2021, về thị trấn biển Thuận An (huyện Phú Vang), đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về việc công dân thị trấn sắp trở thành công dân TP. Ông La Văn Côi (52 tuổi) vừa trở về từ chuyến biển dài ngày nói: “Tôi không ngờ, một ngày làng chài ven biển này lại “lên” TP. Tôi rất tự hào, khi 1-7 này sẽ trở thành người của TP”.
Chung tâm trạng với ông Côi, bà Huỳnh Thị Sương (47 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Làng chài nơi tôi đang sống nằm cạnh bãi biển Thuận An không ngờ chỉ còn vài ngày nữa đã “lên” phố. Người dân luôn nguyện sẽ cố gắng, nỗ lực làm ăn để đời sống ngày càng đi lên”. Ông Ngô Văn Đủ, Bí thư thị trấn Thuận An cho hay, thị trấn có hơn 6.100 hộ dân, với gần 26.000 nhân khẩu, sinh sống trên 12 tổ dân phố.
Những ngày qua, chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ đi nắm tâm tư của nhiều người dân trước khi thị trấn nhập vào TP thì được biết người dân đều rất phấn khởi, hy vọng sau khi sáp nhập vào TP Huế sẽ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để bộ mặt địa phương ngày càng phát triển, đời sống người dân vươn lên. Đặc biệt, địa phương được thiên nhiên ưu đãi khi có bãi biển Thuận An sạch, đẹp, nằm ở vị trí thuận lợi nên khi sáp nhập vào TP, hy vọng ngành du lịch biển sẽ ngày càng khởi sắc hơn.
Theo ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Huế là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thừa Thiên- Huế nói chung, TP Huế nói riêng qua nhiều nhiệm kỳ.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt “sứ mệnh” gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ tiên đã để lại; song song với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm; là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiệm vụ tạo ra những cơ sở nền tảng nhằm thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển.