Phải xử lý nghiêm hành vi xâm phạm bí mật đời tư

Chủ Nhật, 23/12/2012, 11:50
“Bạn muốn theo dõi ai đó? Bạn là người kinh doanh? Bạn cần có được những thông tin đặc biệt một cách bí mật?...” – quảng cáo trên thực sự hấp dẫn đối với những người có nhu cầu cần thông tin bí mật, nhạy cảm. Sản phẩm phục vụ cho nhu cầu này chính là các loại máy nghe trộm, phần mềm theo dõi điện thoại. Cũng vì có thị trường này nên nhiều người luôn có cảm giác bất an, bị theo dõi.

Vô tư rao bán thiết bị nghe trộm

Chưa bao giờ, thiết bị, phần mềm nghe trộm được rao bán công khai như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ, nhu cầu sử dụng loại thiết bị này lại nhiều như hiện nay. Loại thiết bị này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: theo dõi vợ (hoặc chồng) ngoại tình, theo dõi con cái để kiểm soát, khai thác bí mật đời tư người khác, khai thác bí mật thông tin doanh nghiệp…

Chị Phạm Hải B. ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nghi ngờ chồng ngoại tình nên muốn bí mật theo dõi chồng. Nghe nói có thiết bị nghe trộm điện thoại, chị cất công tìm hiểu. Được một người bạn giới thiệu, chị B. gọi điện đến một cửa hàng trên phố V.M., quận Hai Bà Trưng.

Chủ cửa hàng giới thiệu một loại thiết bị nghe lén bằng sim điện thoại có giá 1,5 triệu đồng. Loại này có kích thước nhỏ, chỉ bằng 2/3 bao diêm, dùng để gắn vào xe hoặc giấu vào đâu đó. Khi có người gọi điện thoại thì chiếc máy này sẽ tự động gọi điện vào máy của người cần theo dõi và nghe được toàn bộ nội dung tiếng nói phát ra từ nơi đặt máy nghe trộm.

Từ thông tin của chị B., chúng tôi cất công tìm hiểu và được biết, loại máy này được quảng cáo là sản phẩm công nghệ cao. Chỉ cần đưa một thẻ điện thoại vào trong sản phẩm này và gọi số điện thoại là có thể nghe thấy tiếng nói xung quanh sản phẩm đó.

Điều kiện để sử dụng thiết bị này rất đơn giản là một chiếc sim điện thoại bất kỳ. Máy sử dụng pin và không phát ra âm thanh hay ánh sáng. Loại máy này sẽ tự động gọi lại cho người sử dụng khi có tiếng động xung quanh, trong vòng bán kính 30m2. Người sử dụng cũng có thể hủy hay kích hoạt chế độ này từ xa với một tin nhắn điện thoại.

Trên mạng Internet hiện có những trang web giới thiệu rất chi tiết về loại máy này và hướng dẫn cách sử dụng. Bên cạnh đó, một phần mềm theo dõi điện thoại cũng được quảng cáo với thông tin khá hấp dẫn. Đó là phần mềm giám sát có thể nghe được môi trường xung quanh chiếc điện thoại cần theo dõi, nhận được tất cả các tin nhắn nhận và gửi, biết vị trí, địa điểm di chuyển của điện thoại, thông báo khi có sự thay đổi số sim mới…

Nói chuyện qua điện thoại có thể bị lộ thông tin cá nhân nếu bị theo dõi bằng thiết bị hoặc phần mềm nghe trộm.

Với nhiều người muốn theo dõi người thân hoặc chủ nhân một số máy nào đó thì phần mềm này quả là tiện lợi đối với họ. Tuy nhiên, theo quy định những phần mềm này không được phép sử dụng và rao bán tràn lan như hiện nay. Phóng viên đã liên lạc với một số người rao bán phần mềm theo dõi điện thoại, người bán đưa ra mức giá 300 USD nếu tôi có nhu cầu mua.

Các website quảng cáo thiết bị nghe lén điện thoại đều đưa ra mục đích sử dụng có vẻ hợp lý, như: chăm sóc trẻ em, người già và bệnh nhân tại bất kỳ thời gian nào, hoặc theo dõi điện thoại để chống trộm, theo dõi, quản lý con cái… Tuy nhiên, cũng có thể loại thiết bị này sẽ được sử dụng với mục đích không tốt đẹp, xâm phạm đời tư người khác, thậm chí là xâm phạm tới an ninh quốc gia.

Lỗ hổng pháp lý

Nói về các thiết bị và phần mềm nghe lén điện thoại, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội cho biết, các thiết bị đầu cuối và cả phần mềm nghe trộm điện thoại rao bán trên thị trường đều là hàng nhập lậu, không có tem hợp chuẩn. Sử dụng thiết bị này là vi phạm pháp luật.

Luật sư Dương Thị Ngọc, Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội cũng cho biết, loại máy nghe trộm như đã nói ở trên là thiết bị đầu cuối được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Viễn thông (cụ thể là thiết bị viễn thông đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng). Hành vi sử dụng các thiết bị này để nghe trộm thông tin liên lạc là xâm phạm bí mật đời tư cá nhân (quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005).

Người bị nghe trộm (bị xâm phạm bí mật đời tư) có thể khởi kiện người nghe trộm (người xâm phạm) tại cơ quan Tòa án để buộc công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo các quy định liên quan của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoại hợp đồng.

Các cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự. Cụ thể, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 50 triệu đồng – 70 triệu đồng. Nếu là người nước ngoài thì còn bị trục xuất về nước. Người vi phạm cũng có thể bị truy tố về tội “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện tín của người khác”.

Luật sư Dương Thị Ngọc cũng cho biết, hiện chưa có quy định cấm kinh doanh các thiết bị nghe trộm. Do vậy, nếu cá nhân, tổ chức nào kinh doanh hàng hóa này thì chỉ có thể bị xử phạt về các hành vi liên quan khác chứ không bị xử lý về hành vi kinh doanh thiết bị nghe trộm hay kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh. Đây là lỗ hổng pháp lý mà chưa có quy định để khắc phục.

Thiết bị nghe lén được rao bán trên mạng Internet.

Tuy nhiên, đây là thiết bị bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BTTTT. Các thiết bị nghe trộm là hàng hóa nhập vào Việt Nam một cách bất hợp pháp nên không đủ điều kiện để chứng nhận hợp quy. Do vậy người kinh doanh mặt hàng này sẽ bị xử phạt từ 200.000đ – 500.000đ theo quy định của Nghị định 83/2011/NĐ-CP. Mức phạt quá nhỏ so với lợi nhuận mang lại từ kinh doanh hàng hóa này.

Bí mật đời tư là quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, bí mật đời tư vẫn có thể được khai thác (chẳng hạn như nghe lén điện thoại) khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù vậy, quy định này chưa được luật hóa nên thực tế vẫn diễn ra tình trạng nghe trộm, nghe lén điện thoại tràn lan, vi phạm pháp luật và gây tâm lý bất an cho mọi người. Các cơ quan chức năng cần có cách quản lý chặt chẽ hơn với loại hình kinh doanh, sử dụng dịch vụ này.

“Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

(Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005)

Việt Hà
.
.
.