Phải mạnh tay xử lý với bến "cóc", xe "bay"
Điều đáng nói là dù hoạt động công khai, thế nhưng số bến "cóc", xe "bay" này vào thời điểm chúng tôi ghi nhận vẫn không bị lực lượng chuyên trách xử lý.
Giáp mặt… bến "cóc", xe "bay" ở nội thành
Theo sự phản ánh của độc giả Phạm Trần Tuấn, ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội) về tình trạng bến "cóc", xe "bay" hoạt động công khai trên nhiều tuyến phố trong khu vực nội thành Hà Nội, sáng 20/10, chúng tôi tìm tới một số bến "cóc" trên địa bàn thành phố: ngã tư Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt; đường Yên Phụ - giáp chợ Long Biên (quận Ba Đình); chân cầu Thăng Long (đoạn rẽ vào Khu đô thị Ciputra); khu vực đường Giải Phóng - Kim Đồng… và cảm nhận rõ, nhiều lái và phụ xe thường xuyên đón khách dọc đường.
Đáng lưu ý, thực tế này không chỉ mới xuất hiện mà nó đã tồn tại được một thời gian khá dài. 9h45' có mặt tại điểm bến "cóc" trên đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi cận cảnh hàng chục xe khách chạy các tuyến Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Kạn… dừng bắt khách vô tội vạ.
Vừa đi, vừa mở xe để “vợt” khách trên trục đường Phạm Văn Đồng. |
Mặc cho dòng phương tiện đang ùn ùn lưu thông qua đây, cánh tài xế phanh gấp, quặt vội tay lái vào vệ đường để bắt khách. Trong số xe này, có không ít phương tiện còn kiêm thêm dịch vụ vận chuyển hàng hóa - một loại hình vận tải nhạy cảm...
Trong vai khách đón xe dọc đường đi Quảng Ninh, tại bến "cóc" gần cầu Thăng Long - đoạn cổng khu đô thị Ciputra, đường Nguyễn Hoàng Tôn, sau khi chúng tôi bước lên chiếc xe BKS 16L-89xx, chiếc xe này đã phóng rất nhanh để vượt một chiếc xe khách chạy cùng tuyến ở phía trước với ý định tranh đón khách. Giống tâm trạng của chúng tôi, nhiều hành khách đi trên chiếc xe này đều thực sự cảm thấy bất an khi chứng kiến lái xe chạy nhanh, phanh gấp.
Tại đường Yên Phụ, dù không phải là điểm dừng đón khách, song nơi đây xuất hiện nhiều xe chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Đồng Đăng chờ đón khách. Để che mắt lực lượng chức năng, nhiều nhà xe còn in lý trình chuyến đi bằng chữ nước ngoài. Tìm hiểu tại đây, chúng tôi được hay, chỉ cần biết được số điện thoại của các nhà xe, sau một cú điện thoại, sẽ có xe đón ngay tại các trục đường trong khu vực phố cổ như Phùng Hưng, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún, Nguyễn Thiệp… đối với bến "cóc" này nhà xe thường đảm nhận hoạt động vận tải hành khách đi tuyến Hà Nội - Bắc Giang; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Đồng Đăng.
Bến "cóc", xe "bay" - những nguy cơ thấy rõ
Ghi nhận từ các điểm bến "cóc" cũng như nơi tập kết của các xe "bay" - xe không đăng ký chạy trong các bến xe một thời gian, chúng tôi nhận thấy, ban đầu thì những điểm này chỉ có vài chiếc xe khách đơn lẻ, khi vắng bóng lực lượng chức năng sẽ thoải mái đón khách. Tuy nhiên, lâu dần, khi thấy "xe bạn" vợt được một số lượng khách không nhỏ tại các điểm này, nhiều nhà xe đã "ăn theo".
Điểm đầu tiên mà chúng tôi không thể không nhắc đến đó chính là nút giao thông trên đường Phạm Văn Đồng - đoạn tiếp giáp với đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy).
Tại nơi đây, với chiều dài chưa đầy 200 mét, xuất hiện gần chục quán trà đá các loại. Khách tay xách nách mang, vai đeo ba lô vào các thời điểm gần trưa hay cuối giờ chiều ngồi nơi đây ken kín. Chị chủ một quán nước tên Lan cho hay, khách tới quán chủ yếu là người dân chờ bắt xe tuyến đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…
Tại đây, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều tốp khách vội vã từ các quán cóc đổ ra đường "nhảy" lên các xe khách đang giảm tốc trước mặt. Đáng chú ý, theo quan sát của chúng tôi, hễ đến điểm này, hầu hết các xe khách chạy các tuyến: Hà Nội - Phú Thọ; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Quảng Ninh… đều giảm tốc độ, thậm chí còn dừng hẳn lại để lơ xe xuống chào mời khách...
Việc xuất hiện các bến "cóc", xe "bay" tự phát trên địa bàn thành phố như hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phải bàn.
Trước tiên, do không được xếp lốt, số xe "bay" dừng đón khách không đúng quy định này là một trong những nguyên nhân gây mất ANTT, ảnh hưởng TTATGT trên tuyến. Nhất là tội phạm có liên quan đến vận chuyển hàng hóa phi pháp, thuộc danh mục mà pháp luật cấm: dao, súng… thậm chí là cả ma túy. Vấn nạn này đã được Báo CAND phản ánh chưa lâu.
Chưa hết, do là xe "bay", không xuất vé do bến quy định, nên khi phát sinh hệ lụy, hành khách là người chịu thiệt. Bởi các quy định, sự ràng buộc về pháp lý như: chế độ bảo hiểm, việc đảm bảo an toàn tài sản… không tồn tại. Lúc này, hành khách muốn quy trách nhiệm cũng không được.
Tình trạng bức xúc về nạn bến “cóc”, xe “dù” là có thật. Chẳng lẽ các cơ quan chức năng trên lĩnh vực này ở Hà Nội lại bó tay?