Ông cụ 84 tuổi kiện con đòi tài sản

Thứ Bảy, 05/05/2012, 10:11
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng ông T. (84 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) vẫn quyết định kiện con đòi lại tài sản đã cho trước đó, quả là chuyện lạ…

Hai đời vợ, tính luôn con nuôi ông T. có gần chục đứa con. Về già, hầu hết tài sản ông đã chia cho các con vợ lớn và những đứa con nuôi gần hết, chỉ còn lại 3 căn nhà, xưởng ông định bụng sẽ dành cho hai đứa con người vợ thứ.

Thấy tuổi đã cao, sức yếu, giữa năm 2011, ông kêu vợ thứ mời công chứng viên đến nhà để lập di chúc cho hai đứa con. Sau đó, bà L. (vợ thứ ông T., không có đăng ký kết hôn) mời công chứng viên, Văn phòng công chứng T.D. cùng hai người con đến nhà ông để lập di chúc.

Chiều cùng ngày, ông hỏi những người con khác sống xung quanh nhà thì được biết “lập di chúc thì phải có hai người làm chứng và giấy khám sức khỏe của bệnh viện” nên ông điện thoại yêu cầu vợ (bà L. và ông T. không sống chung) ngưng ngay hồ sơ ký tên lúc trưa.

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng bà L. đưa ra ba bản hợp đồng có nội dung ông T. tặng, cho nhà đất cho con trai và con gái. Tức giận vì vợ không làm đúng theo yêu cầu của mình, ông T. khởi kiện ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng công chứng tặng cho tài sản với các con. Theo lý giải của ông T., sau khi ông chết tài sản của ông cũng thuộc về các con nhưng giờ ông còn sống, ông không muốn gia đình mất đoàn kết…

Quá trình giải quyết vụ án, con trai ông T. đã hiểu ý nguyện cuối đời của cha nên đồng ý trả lại giấy tờ quyền sử dụng đất, nhà ở mà mẹ mình đã đưa trước đó, riêng con gái của ông thì nhất quyết không trả.

Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức nhận định hợp đồng tặng cho giữa ông T. và con gái chưa có hiệu lực do con gái ông T. chưa đăng ký đứng tên sở hữu, chưa nhận nhà, nay ông T. thay đổi ý định không cho nên tòa chấp nhận yêu cầu của ông T., hủy bỏ hợp đồng, buộc chị H. (con gái ông T.) phải trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho cha. Không bằng lòng với bản án, con gái ông kháng cáo.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm (vào các ngày 2 và 4/5) TAND TP Hồ Chí Minh, chị H. trình bày, việc tặng nhà đất, ông T. đã suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ nên chị không đồng ý hủy hợp đồng tặng cho.

Mặc dù được một thành viên trong HĐXX cố gắng hòa giải nhưng chị H. vẫn kiên quyết “bảo lưu” ý kiến và bao biện: “Cha tôi đã già rồi, ông lại đang sống một mình, vợ chồng tôi muốn về ở chung với ông để chăm sóc ông những ngày cuối đời”. Nghe chị trình bày, đại diện ông T. phát biểu “Nếu như chị thật sự quan tâm đến cha thì đâu cần đến khi cha tặng cho tài sản, bây giờ chị cũng có thể dọn về sống cùng ông mà…”. Đuối lý, chị H. chỉ biết im lặng.

Tuy nhiên, cuối cùng tòa án vẫn chấp nhận đơn kháng cáo của chị, bác yêu cầu của ông T. yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho với lý do “hợp đồng tặng cho nhà ở có hiệu lực kể từ khi công chứng”. Nhìn chị hỷ hả “cầm” phần thắng trên tay ra về, tôi chỉ suy nghĩ không biết liệu chị có thanh thản?...

A. Huy
.
.
.