Ông chủ quán cháo lòng 3 lần cai nghiện

Thứ Năm, 01/03/2007, 14:22

3 lần vào trại cai nghiện rồi tái nghiện, cuộc đời của Tạ Minh Dong tưởng như đã bỏ đi. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, tình yêu thương của vợ con, sau lần cuối cai nghiện ở tuổi 40, Hai Dong đã trở thành ông chủ quán cháo lòng tiết canh nổi tiếng nhất Móng Cái (Quảng Ninh).

Dù đến quán cháo lòng - tiết canh của ông Hai Dong từ rất sớm, nhưng chúng tôi vẫn phải ngồi đợi vì rất đông khách. Không chỉ người dân Móng Cái mà ngay cả khách thập phương đến đây đều được nghe tiếng Hai Dong cháo lòng - tiết canh. Mặc dù chẳng ai lạ Hai Dong từng là con nghiện mười mấy năm, qua 5 lần cai nhưng khách hàng vẫn kéo đến quán đông nườm nượp. Vì sao ư? Vì Hai Dong đã "cải tà quy chính", hay vì thương hiệu cháo lòng của vợ chồng anh đã lan xa? Với chúng tôi, có lẽ là cả hai.

Hai Dong mở đầu câu chuyện một cách khá tự nhiên: Cai nghiện không bao giờ chết và cơn vật thuốc chỉ là một màn kịch của đối tượng nghiện khi thiếu thuốc mà thôi. Muốn người thân trong gia đình mình cai nghiện được thì phải có sự cương quyết. Tạ Minh Dong là con út trong một gia đình thuần nông tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Mảnh khảnh và đặc biệt nổi tiếng trong vùng bởi sự khéo tay về tài nấu cỗ. Trong số những cô gái làng, chị Đỗ Thị Vóc, kém anh 8 tuổi, đã lọt vào mắt xanh của anh. Hai đứa con liên tiếp chào đời, cuộc sống nông thôn vốn lam lũ, quanh năm chỉ trông vào vài sào ruộng khiến gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Dạo đó, người trong làng bỏ đi làm ăn xa nhiều, vợ chồng Hai Dong cũng quyết định ra thị xã Móng Cái những mong có cơ hội đổi đời. Hành trang của họ chỉ là những đồng vốn nhỏ đã tích góp được trong thời gian anh làm mộc tại quê nhà.

Chính vợ chồng Hai Dong cũng không thể ngờ rằng đây lại trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời họ. Hai vợ chồng anh Dong thuê một mảnh đất để sinh sống vừa làm nhà ở, vừa làm nơi bán hàng. Hàng ngày, họ dậy từ sáng sớm đến tối mịt, quần quật với rổ lòng lợn để chế biến món ăn cho khách.

Nhờ khéo tay nên chẳng mấy chốc quán tiết canh - lòng lợn của vợ chồng anh đã nổi tiếng là ngon nhất thị xã. Kinh tế khấm khá, lẽ ra anh Dong phải lấy đó là điểm tựa cho cuộc lập nghiệp gian truân và nghiệt ngã của mình để nuôi dạy con cái nên người. Nhưng Hai Dong đã đánh mất chính mình khi sa chân vào "cái chết trắng".

Nói đến đây, anh Dong dừng lại: "Chính mình cũng không ngờ sức tàn phá của ma túy nó lại ghê gớm đến vậy. Ngay sau lần đầu tiên sử dụng, mình đã có cảm giác thèm thuồng". Từ đó, Dong giấu vợ con tìm vui bên ma túy… Công việc gia đình lúc này đổ dồn nên đôi vai người vợ gầy guộc. Chị Vóc tìm cách khuyên can, thậm chí dùng con cái để thuyết phục nhưng cũng không được.\

Khi gia đình không còn tiền, Hai Dong quay sang lừa dối vay mượn tiền của bạn bè để chỉ làm một việc là thỏa mãn cơn nghiện. Kinh tế gia đình rơi vào tình trạng khánh kiệt. Năm 2000, ngay cả bạn bè và người thân cũng bắt đầu xa lánh. Khắp nơi, người ta rỉ tai nhau: "Đừng nghe Hai Dong nói" bởi miệng lưỡi dẻo quẹo của anh đã làm mọi người hoảng sợ.

3 lần Hai Dong đi vào trại cai nghiện rồi hai lần tự cai ở nhà nhưng anh vẫn là một thằng nghiện. Bước ngoặt dẫn đến sự đổi đời của vợ chồng Hai Dong bây giờ có lẽ là là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hai vợ chồng họ. Đó là vào một ngày 30 Tết, khi đó, vợ chồng Hai Dong dắt díu nhau về quê thăm gia đình. Gần giao thừa, Hai Dong bòn tiền vợ để mua thuốc…

Đây là lần đầu tiên Hai Dong đánh vợ và cũng là lần đầu tiên, Hai Dong nhận được cái tát như trời giáng của người anh trai. Lúc này, một chút lương tri còn lại trong Hai Dong sống dậy. Anh tự cảm thấy hổ thẹn trước mặt những đứa con thơ đói khát, cảnh gia đình tiều tụy, Hai Dong quyết tâm cai nghiện.

Cai nghiện ma túy ở tuổi gần 50, có lẽ đây là chút hy vọng mà những người thân của Hai Dong tin tưởng anh sẽ hồi sinh. Hơn hai năm trong trại, vừa lao động, vừa được sự động viên của đoàn thể, anh trở lại cuộc sống bình thường. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, Hai Dong bàn với vợ thuê một cửa hàng để mở hàng ăn.

Quán tiết canh lòng lợn của vợ chồng Hai Dong ngày càng đông khách. Có công việc và được sống trong tình yêu thương của vợ con và những đoàn thể, Dong hiểu hơn giá trị của cuộc sống. Quán ăn cho thu nhập ngày càng cao, anh chinh phục khách hàng không chỉ bằng chất lượng phục vụ mà còn bằng giá cả hợp lý…

Từ cõi chết trở về, Hai Dong đã xây dựng được thương hiệu của mình. Hai Dong trở thành nhân vật điển hình của phường Trần Phú, luôn cùng Công an phường đến giúp đỡ những đối tượng nghiện cai. Được đi báo cáo điển hình ở tỉnh, Hai Dong cứ nghĩ như mình đang mơ.

Mỗi khi chuẩn bị khăn gói cho chồng đi báo cáo thành tích cai nghiện, chị Vóc lại khóc. Chị khóc vì hạnh phúc, khóc vì phần đời còn lại của vợ chồng chị được sống trong thanh thản, khóc vì các con chị có thể tự hào về bố

Xuân Mai - Trần Hằng
.
.
.