Ở nơi học trò hái hoa dại tặng thầy cô

Chủ Nhật, 25/11/2007, 19:22
Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, các thầy, cô giáo rẻo cao Mường Hoong, Ngọc Linh Đăk Glei (Kon Tum) lại tiền lương mua bánh, kẹo để đón học trò đến chung vui. Còn học trò tới thăm thầy, cô với những bông hoa dại hái trong rừng.

Có những ngôi làng người Xêđăng nằm lọt thỏm giữa rừng già thâm u, heo hút trong dãy núi Ngok Linh, cách thị xã Kon Tum đến gần 200 cây số, với chừng nửa chặng là đường rừng quanh co, gấp khúc, hiểm trở, cheo leo. Có lẽ vì thế mà đến nay những ngôi làng này chưa kéo về được đường điện thắp sáng. Mặc dù vậy, đêm đêm lũ làng vẫn kiên trì đốt lửa xà nu để cho các thầy, cô giáo người Kinh dạy học cho con em mình…

Dưới ánh đuốc xà nu

Nghe tôi muốn về các miền rẻo cao Mường Hoong, Ngọc Linh trong dãy núi Ngok Linh quanh năm chỉ có mưa và mây mù bao phủ, chị Y Hoa - Phó Chủ tịch huyện Đăk Glei (Kon Tum), nhìn tôi đầy ái ngại.

Mấy ngày qua, mưa to làm lở núi, đường vào trong ấy bị tắc nghẽn, công nhân giao thông huyện đang còn lo thu dọn. Trời vẫn đang tiếp tục mưa tầm tã, chị Y Hoa khuyên tôi không nên đi lúc này rất nguy hiểm. Nhưng, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được chị và các lãnh đạo huyện Đăk Glei để được giúp cho ôtô đưa vào Mường Hoong, Ngọc Linh, với điều kiện, chặng đường nào lầy lội, xe không chạy được thì tôi phải cuốc bộ.

Cũng may, nhờ các đội xe ủi, xe xúc đang túc trực trên những cung đường bị sạt lở, gạt đất, đá cho xe qua, nên tôi chỉ lội bộ non chục cây số đường rừng…  

Lê Toan là một ngôi làng người Xêđăng nằm giữa rừng xà nu, thuộc xã Ngọc Linh, hiện chưa có điện thắp sáng. Đứng ở nhà rông của làng này nhìn xuống làng Cung Rang, nơi có trụ sở UBND xã xây kiên cố, chỉ áng chừng bốn cây số đường chim bay, song để đi tới nơi, phải băng rừng, lội suối gần chín cây số đường mòn rất vất vả.

Bằng chất giọng khàn đục, Thôn trưởng A Ếp, cho biết: Lê Toan có 55 hộ, 246 nhân khẩu, đều làm nông, trồng sắn, bắp và một ít ruộng lúa nước, nên còn nhiều hộ gia đình nghèo lắm. Nhưng, không vì thế mà lũ làng chấp nhận cho con em mình bị dốt.

Ai cũng quý các thầy, cô giáo ở dưới xuôi gùi cái chữ lên non ngàn. Vì thế, lũ làng đã cùng với lực lượng Công an bám cơ sở vào rừng đốn cây gỗ, lồ ô, cắt cỏ tranh… về dựng trường học.

Ngoài những buổi học ban ngày, đêm đêm các bậc phụ huynh chẻ cây xà nu gùi tới lớp bó thành đuốc, đốt lửa cho các em làm toán, viết chữ. Mức thu nhập bình quân của mỗi người dân ở Ngọc Linh thường chỉ 500kg thóc/năm. Cả xã vẫn còn 357 hộ nghèo, với 1.512 khẩu… Cũng vì thế, các thầy, cô giáo dạy chữ ở Ngọc Linh đã san sẻ, nhường từng chén cơm cho học trò để các em yên tâm tới lớp…

Thầy giáo Trần Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Linh, nói rằng, Trường THCS Ngọc Linh được Nhà nước đầu tư xây dựng tại trung tâm xã, với 6 phòng học và 1 thư viện.

Năm học 2007 - 2008, nhà trường đón 196 em vào học nên phải tận dụng cả thư viện làm phòng học. Đặc biệt, có 86 em nhà ở tận những ngôi làng trên rẻo cao phải học theo diện… bán trú dân nuôi. Có nghĩa, dân làng góp gạo, Nhà nước hỗ trợ tiền mua mắm, muối, thức ăn cho các em ở lại ăn bữa trưa.

Nói nghe đơn giản, song 17 giáo viên của trường phải thay nhau nấu ăn, tiền hỗ trợ ít (mỗi em 15.000 đồng/tháng), dân làng góp gạo không đủ, các thầy, cô giáo đành san sẻ thêm tiền lương, phần cơm của mình để các em được ăn no, học chữ.

Rồi những ngày mưa to, núi lở, lũ rừng ào về, họ còn phải chia cho các em chiếu, chăn chống rét cho các em ở lại dài ngày. Có rất nhiều em gia đình rất nghèo, song đã cố gắng phấn đấu học hành đạt học sinh giỏi cấp tỉnh như em A Ngơi ở làng Kon Tuông, em Y Thị của làng Đăk Rít…

Ngày nhà giáo, hái hoa rừng tặng thầy, cô

Nằm ở thượng nguồn suối Đăk Mỹ, chuyện học cái chữ của con trẻ Xêđăng xã Mường Hoong cũng vất vả chẳng kém gì Ngọc Linh. Thầy giáo Vũ Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Hoong, nói với tôi rằng, xã có 16 thôn, làng; trong đó có nhiều làng xa UBND xã đến 7-8km như: Đăk Bối, Tu Chiêu, Tu Răng…

Vì vậy, để có chỗ dạy chữ cho 436 học sinh, ngoài ngôi trường xây kiên cố với 6 phòng học ở trung tâm, nhà trường còn tổ chức thêm nhiều điểm học khác ở các làng, bằng hình thức dựng tạm 8 phòng học cấp 4, tranh, tre và mượn nhà rông văn hóa… 27 giáo viên đứng lớp vì thương học trò miền rẻo cao mà ở lại với đồng bào Xêđăng.

Và, đất rừng xà nu đã chứng kiến đám cưới của 7 cặp vợ chồng thầy, cô giáo có quê từ vùng đồng bào xứ Thanh, xứ Nghệ, Quảng Bình… lên đây lập nghiệp. Riêng thầy Dũng quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, vợ, con ở thị trấn Đăk Glei vẫn ở lại xứ Mường Hoong heo hút này đã hơn mười năm rồi.

Cũng như ở Ngọc Linh, tại Mường Hoong chưa có sóng điện thoại di động nên giáo viên muốn liên lạc cho nhau phải tới bưu điện xa lắc, xa lơ mới liên lạc cho người thân và chờ hết năm học mới về thăm gia đình…

Nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, các thầy, cô giáo đều ngậm ngùi: "Năm nào cũng vậy, đến ngày đó là chúng em góp tiền lương lo hết anh à!". Hỏi ra mới rõ, dù ở núi cao heo hút, song các thầy, cô giáo vẫn không quên được cái ngày của… riêng mình, nên góp tiền lương mua bánh, kẹo để đón học trò đến chung vui. Còn học trò tới thăm thầy, cô với những bông hoa dại hái trong rừng.

Nghĩ đến các giáo viên ở miền xuôi, nhất là ở những thành phố lớn, cứ đến 20/11 là được học trò đến thăm, tặng thiệp chúc mừng, tặng hoa hồng, hoa tuy líp… đắt tiền cùng nhiều phần quà sang trọng, càng thương các thầy, cô giáo tự nguyện gánh chữ lên ngàn.

Sự học là con thuyền đi ngược nước và những thầy, cô chèo lái "thuyền học" trên dãy núi Ngok Linh đã phải qua bao ghềnh, thác…

Long Vân
.
.
.