Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở phường Tràng Minh (Kiến An - Hải Phòng)

Thứ Hai, 31/12/2007, 10:13
Từ 10 năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở phường Tràng Minh, Kiến An, Hải Phòng ngày một gia tăng và hiện ô nhiễm đã vượt quá nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Phường Tràng Minh (xã Tràng Minh cũ) thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, diện tích 385,88 ha, trong đó 70% là đất canh tác.

Hiện Tràng Minh có 2400 hộ dân gồm 10.000 nhân khẩu. Đặc điểm cư dân ở đây tương đối ổn định với 13 dòng họ.

Người dân Tràng Minh cho biết, từ năm 1990 trở về trước, những con mương thuỷ lợi ở đây trong vắt, đổ ra tưới mát ruộng đồng và là nguồn nước sinh hoạt của cả khu vực.

Vậy mà nay con mương đã trở thành một trong những hạ nguồn nước thải của quận Kiến An, được đưa từ nhiều phường, nhiều cơ sở sản xuất, bệnh viện lao, bệnh viện phục hồi chức năng; đặc biệt là có nguồn nước thải của Bệnh viện đa khoa Kiến An và hàng chục xưởng sơ chế hạt nhựa tái sinh, không qua xử lý, xả trực tiếp về làm ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi tới một số hộ dân ở khu II, thì đã phải chứng kiến cảnh mùi hôi thối ở mương bốc lên, đã làm cho những hộ dân sống ở gần đây suốt ngày phải đóng cửa im ỉm, trẻ em không dám ra ngoài chơi.

Theo các nhà chuyên môn đánh giá, ô nhiễm môi trường ở Tràng Minh là ô nhiễm tổng thể gồm cả đất, nước ngầm, nước mặt, không khí và tiếng ồn.

Thời gian qua, Trung tâm quan trắc môi trường Hải Phòng - HACEM đã tiến hành quan trắc môi trường tại Tràng Minh, kết quả cho thấy, nồng độ bụi tại một số điểm vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) ở mức 1,1 - 1,4 lần.

Qua phân tích mẫu nước thải, phát hiện có nhiều chất gây ô nhiễm cũng vượt TCCP như BOD5, COD, TSS, Coliform, Ptổng, Ntổng, NH3-N, As, Hg, Fe, Mn. Trong đó BO5 vượt 3,7 lần; NH3 vượt 3,4 lần; COD vượt 4,2 lần; NH3-N vượt 2,3 lần; Ptổng, TSS ,dầu mỡ vượt 1,3 lần.

Đặc biệt mật độ Coliform vượt 8x102 lần. Riêng nguồn nước ngầm cho thấy độ cứng vượt TCCP từ 1,2 - 3,4 lần; mật độ Coliform vượt 3x106 lần, còn nồng độ các kim loại nặng vượt rất nhiều lần. Trong đó Mn vượt 8,6 lần, Fe vượt 180 lần; As là loại độc hại, có nơi vượt tới 1,6 lần.

Hậu quả trên đã làm ô nhiễm nguồn tài nguyên nước ngầm ở đây, khiến hàng trăm giếng đào và giếng khoan UNICEF nhiều năm nay không dùng được, phải huỷ bỏ.

Từ đó, ở phường Tràng Minh đã hình thành loại dịch vụ cung cấp nước ngọt sinh hoạt bằng xe chở đến từng hộ. Trên đường từ khu dân cư số II tới trụ sở UBND phường, chúng tôi còn chứng kiến cảnh nhiều loại phế thải của các hộ sơ chế hạt nhựa chất chồng trong nhà, ngoài ngõ, đúng như lời đồn "nhà giầu đống rác to, nhà nghèo đống rác nhỏ", toàn thấy rác là rác.

Làm việc với UBND phường Tràng Minh về vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương, Chủ tịch Lê Thị Thu Nhàn cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây, mà đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, đã gây nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Những năm trước, người lao động còn có nguồn thu bằng tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vụ cây trồng, thì nay không còn, vì trong khu vực Kiến An không ai dám mua rau xanh của Tràng Minh nữa.

Để khắc phục hậu quả ô nhiễm, mấy năm qua, UBND quận đã đầu tư xây dựng đường cống hộp dẫn nước thải, song mới chỉ được một đoạn ngắn. Hàng cây số mương còn lại đang phải chờ kinh phí nếu có mới làm tiếp.

Còn đối với một hộ kinh doanh phế liệu và các xưởng sơ chế hạt nhựa, chủ trương của địa phương sẽ qui hoạch thành một làng nghề tập trung, xa khu dân cư.

Song việc di dời xưởng sản xuất đến làng nghề tập trung là hết sức khó khăn, nếu người dân không nhận thức được chủ trương này là lợi ích của mỗi hộ gia đình và cả cộng đồng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở phường Tràng Minh, kiến An, Hải Phòng đã đến mức báo động hết sức nghiêm trọng, mà chính quyền cấp phường không thể có khả năng giải quyết.

Giải pháp xây dựng hệ thống cống hộp cho dù có sớm hoàn thành cũng chỉ là giải pháp tình thế, nhằm tránh ô nhiễm không khí và ruộng vườn trong phạm vi phường Tràng Minh.

Điều lo ngại là nguồn nước thải ô nhiễm vượt TCCP này lại đổ trực tiếp ra sông Đa Độ, một trong những nguồn tài nguyên nước chủ yếu, phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 2 triệu dân Hải Phòng.

Ngoài ra, chất độc còn ngấm xuống đất, làm ảnh hưởng một trong hai mạch nước ngầm ít ỏi của thành phố.

Tràng Minh đang rất cần có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của các cấp chính quyền thành phố Hải Phòng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xử lý các vi phạm và đầu tư khắc phục ô nhiễm, góp phần bảo vệ vững chắc môi trường sống

Q.Phòng - V.Thịnh
.
.
.