Ô nhiễm làng nghề đe dọa sức khoẻ người dân

Thứ Sáu, 11/12/2009, 14:32
Vừa đặt chân tới cổng làng nghề Mộc, xã Dị Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi mùi sơn PU, những đám bụi gỗ vẩn lên trong không khí. Càng vào sâu, bụi và mùi sơn càng nồng nặc đến nhức đầu, cay mắt. Với ngót 200 xưởng mộc thủ công trên địa bàn xã, hàng ngày, hàng nghìn hộ dân nơi đây phải ăn, ngủ trong môi trường như vậy.

"Tình trạng bệnh tật nhất là các loại bệnh lạ, bệnh ung thư, chết không rõ bệnh gì tăng cao gây lo lắng cho nhân dân…" - UBND xã Dị Nậu khẳng định về hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn trong một báo cáo gửi UBND huyện Thạch Thất và các Sở, ngành của thành phố.

Ô nhiễm cả trên trời, dưới đất

Với gần 100m2, xưởng mộc của anh Nguyễn Trung Tĩnh (thôn Đoàn Kết 2 xã  Dị Nậu) có diện tích rộng nhất, nhì ở đây, nhưng vẫn hết sức chật chội với hàng chục mét khối gỗ và đồ gỗ thành phẩm được xếp ngổn ngang. Láng giềng ở sát vách xưởng mộc và hàng ngày phải hít thở bầu không khí đầy bụi gỗ và vô vàn hạt sơn PU lơ lửng khắp nơi. Hầu hết các xưởng mộc nằm cùng khuôn viên ăn ở của gia đình chủ xưởng. Biết rõ là rất ô nhiễm độc hại cho láng giềng và gia đình mình, nhưng anh Tĩnh vẫn phải duy trì xưởng mộc để đảm bảo kinh tế cho gia đình.

"Mặc dù thường xuyên đeo khẩu trang mỗi khi ở trong xưởng, nhưng thỉnh thoảng tôi thường bị cay mắt,  váng đầu… Giá mà chúng tôi sớm có được quy hoạch một khu sản xuất tách biệt hẳn khu dân cư thì tốt biết bao" - anh Tĩnh than thở.

Nước ngâm tẩm gỗ rất độc hại nhưng không hề được xử lý sau khi xả.

Còn xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Hợp thì nằm cùng ngay trong khuôn viên sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi của gia đình với 9 khẩu, gồm 2 trẻ nhỏ, diện tích sử dụng chung tổng cộng chưa đến 100m2. Trong nhà, từ chăn màn, giường tủ, chạn bát cho tới bể nước ăn nơi nào cũng đầy bụi gỗ, nước váng màu vàng vàng…

Ông cho biết, bản thân ông cùng mấy anh thợ trong xưởng đều bị hen phế quản, đau rát cổ họng mỗi khi thức giấc, một số người còn bị bệnh da liễu do phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất pha chế sơn, keo gắn gỗ. Thậm chí, nhiều trường hợp khi làm gỗ lim - một loại gỗ tốt nhưng cũng rất độc, người thợ bị ho, khạc ra máu, mờ mắt…

Theo ước tính của những chủ xưởng mộc nơi đây thì trung bình mỗi ngày gần 200 xưởng mộc này phun khoảng trên dưới 1.000 lít sơn PU, trong đó chỉ khoảng 70% lượng sơn bám vào bề mặt gỗ, còn lại lẫn vào không khí (!?). Mức độ ô nhiễm không khí ở đây đã ở mức báo động đỏ, nhưng không chỉ có thế.

Nguồn nước ngầm của làng cũng bị đe dọa bởi nước thải từ hàng trăm bể ngâm gỗ. Trong một văn bản gửi UBND và các sở, ngành của thành phố, lãnh đạo UBND xã Dị Nậu cũng khẳng định: "Các hóa chất như phun sơn, ngâm tẩm, xử lý gỗ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là với người già và trẻ em, tình trạng bệnh tật nhất là các loại bệnh lạ, bệnh ung thư, chết không rõ bệnh gì tăng cao gây lo lắng cho nhân dân".

Thợ của một xưởng mộc ở xã Dị Nậu đang phun sơn PU lên ván gỗ.

Cần sớm lập điểm công nghiệp cho làng nghề

Tìm hiểu từ cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, làng nghề mộc, xây dựng Dị Nậu của xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận danh hiệu làng nghề từ năm 2003 và phê duyệt danh mục quy hoạch đến năm 2010 xây dựng điểm công nghiệp làng nghề với quy mô 10ha.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản báo cáo lãnh đạo thành phố về việc này, trong đó cho biết, hiện nay làng nghề có khoảng 200 hộ làm nghề nằm xen lẫn trong khu dân cư nên không có khả năng mở rộng, phát triển sản xuất và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cả về tiếng ồn, bụi, nước thải.

Do vậy, theo Sở Công thương, nhu cầu xây dựng điểm công nghiệp tập trung để mở rộng, phát triển sản xuất và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Dị Nậu là rất cần thiết và cấp bách. Mong rằng, nguyện vọng chính đáng và rất cấp thiết của người dân nơi đây sớm thành hiện thực

Đ.Tuấn
.
.
.