Nứt đất lại Lâm Đồng và nỗi lo hệ thống nước ngầm ở Tây Nguyên cạn kiệt

Thứ Sáu, 06/05/2011, 20:03
Trong tuần qua tại địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện tình trạng đất nứt và sụt lún bất thường. Cụ thể trên đoạn đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc thị trấn Di Linh, huyện Di Linh (Lâm Đồng) xuất hiện vệt nứt lớn kéo dài hàng chục mét đã làm ảnh hưởng đến hàng chục ngôi nhà dân xung quanh, trong đó một nhà bị sập hoàn toàn.

Tiếp đó, ngày 3/5, người dân phát hiện thêm điểm sụt lún giữa đường Hai Bà Trưng kéo dài khoảng 100m đến đường Nguyễn Văn Trỗi (Di Linh, Lâm Đồng).

Theo nhận định ban đầu của đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân của hiện tượng sụt lún, nứt đất trên do khai thác nguồn nước ngầm quá mức dẫn đến sụt giảm đột ngột khiến bề mặt địa chất bị biến đổi, kéo thành những đường nứt.

Nứt đất ở Di Linh, Lâm Đồng.

Đặc biệt ở khu vực này nằm trên triền nước chảy ở dòng suối có dòng nước mạch phía dưới chảy qua  cộng với mưa gió và khí hậu biến đổi bất thường thì nó có thể làm giãn nở mạch nước, trượt đất, gây ra hiện tượng nứt đất và sụt nhà chứ không có chuyện động đất, hay hiện tượng núi lửa. Hiện chính quyền địa phương cũng khuyến cáo những hộ dân khu vực này nên chuyển đi nơi khác ở để tránh những hiểm họa tương tự có thể xảy ra.

Trong thực tế, đây không phải lần đầu tiên hiện tượng sụt, nứt đất xảy ra ở Tây Nguyên mà những năm trước cũng từng xảy ra ở một số địa phương có hệ thống nước ngầm bị khai thác quá mức cho việc tưới cà phê và các loại cây trồng trên vùng đất đỏ bazan.

Tây Nguyên là thượng nguồn của 3 hệ thống sông lớn gồm: Sêrêpôk, Sê San và sông Đồng Nai, nhưng người dân đã khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu, khiến mực nước ngầm không ngừng bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn do thiếu nước.

Trong khi đó lượng mưa hàng năm ở Tây Nguyên có xu hướng ít đi, mùa khô kéo dài, tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt địa chất đã làm cho mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3 đến 5m, có nơi 7 đến 8m. Trong khi đó nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đã đua nhau khoan, đục sâu đáy giếng để gom tụ nước tưới cho cà phê, hồ tiêu.

Điều này gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm và trực tiếp đe dọa tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng lượng nước ngầm ở Tây Nguyên

N.Như
.
.
.