Nữ “thủ lĩnh” Vân Kiều trên ngọn núi thiêng

Thứ Hai, 06/10/2014, 09:28
Nhiều lần gọi điện nhưng không được, bởi điện thoại luôn trong tình trạng mất sóng, tôi quyết định vượt gần 200 cây số từ Đông Hà lên xã miền núi Hướng Tân để tìm gặp chị Lê Thị Hội, người được bà con Vân Kiều nơi này biết đến là một phụ nữ có tấm lòng vàng, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi và đặc biệt là chỉ cách cho họ làm kinh tế để thoát nghèo.

Chị Hội hiện đang là Chủ tịch UBND xã Hướng Tân. Khi tôi đến, cửa phòng làm việc mở nhưng chị không có ở đây. Hỏi cán bộ xã Hồ Văn Đới, anh vui vẻ cho biết, muốn gặp chị Hội ráng đợi tới gần cuối giờ chiều. Vì, theo anh Đới, chị vừa đến đây làm một số việc cần thiết, thời gian còn lại tranh thủ vào thôn Xa Rường để hướng dẫn bà con trồng lúa nước và làm các công việc từ thiện khác. Xa Rường là thôn xa nhất của xã. Xế chiều khi tôi vừa đến đó, cũng là lúc chị Hội vừa rời thôn, cắt rừng theo đường tắt về lại xã để kịp làm nốt phần việc còn lại trong ngày.

Tôi “đón lõng” chị tại nhà ở thôn Trằm, tới chạng vạng tối chị mới về. Tôi hỏi: “Chị làm Chủ tịch xã mà đi suốt vậy, lúc ai cần ký tá việc gì biết tìm chị ở đâu?!”. Chị Hội cười hiền, trả lời: “Có lẽ tùy thực tế mỗi nơi mỗi khác. Ở xã miền núi heo hút này người dân cần việc làm cụ thể hơn là hành chính giấy tờ. Bao năm nay tôi vẫn theo thói quen ấy, đến từng nhà, từng bản để nghe dân nói, dân cần mình làm gì rồi hướng dẫn và cùng làm với bà con”.

Cũng chính từ việc đi nhiều, nghe và thấu hiểu hết những tâm tư nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn nên ngoài việc vận dụng kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được của mình giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, chị còn giúp đỡ những người không may bị hoạn nạn, người nghèo khó bằng lúa, gạo, cây và con giống. Chị kêu gọi cộng đồng, cá nhân, tập thể hảo tâm đóng góp tiền bạc và vật chất khác như áo quần, giày dép, chăn màn, sách vở… để chia sẻ bớt những khó khăn với bà con và học sinh. Ở xã miền núi này, từ nhiều năm nay ai ai cũng quen thuộc với hình ảnh chị Hội vượt núi, băng rừng đi làm từ thiện, đi làm những công việc đầy ắp nghĩa tình với con dân bản của mình. 15 năm qua, chị Hội cùng chồng còn nhận chăm nuôi nhiều trẻ em mồ côi bất hạnh. Trong đó, hai đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hơn 10 năm trước là Hồ Văn Rê và Hồ Văn Puy nay đã được vợ chồng chị dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa và tạo mọi điều kiện khác để làm ăn ổn định.

Cách đây 5 năm, vợ chồng chị tình nguyện hiến hơn 1.500m2 đất đang canh tác cây cà phê để xây dựng đường dân sinh vào thôn Trằm. “Diện tích đất này cho thu nhập lãi ròng trên 30 triệu mỗi năm từ cây cà phê. Đó là số tiền rất lớn đối với gia đình, song nếu mình không hiến đất ấy, thì cả cộng đồng sẽ không có được những cái lợi lớn. Vợ chồng mình sau nhiều lần bàn bạc, đã vui vẻ thống nhất hiến số đất đó để giúp ích cho nhiều người”, chị Hội tâm sự.

Tương truyền năm 1885, sau khi tấn công trại lính Pháp ở đồn Mang Cá - Huế bị thất bại, vua Hàm Nghi được hộ giá đến Cam Lộ rồi ngược lên miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để thoát khỏi sự truy đuổi của quân Pháp. Nhà vua đã vượt qua không ít ngọn núi cao ở các xã miền Đông-Bắc huyện này. Về sau, bà con dân bản gọi đó là những ngọn núi Vua. Trong hệ thống núi Vua ở đây, có núi Vua cao gần 1.000m nằm trên địa bàn xã Hướng Tân, được xem là linh thiêng nhất và có nhiều đãi ngộ cho những con người biết vượt khó, vươn lên. Trên ngọn núi Vua linh thiêng ở xã Hướng Tân, chị Hội luôn được bà con dân bản trân trọng, yêu quí và ví chị như ngọn đèn không bao giờ tắt…

Thanh Bình
.
.
.