Nữ phạm nhân Trại giam A2 - Bộ Công an giao lưu ngày 8-3
Ngày 7/3, chương trình giao lưu giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa với các nữ phạm nhân Trại giam A2 - Diên Khánh (Nha Trang) tuy diễn ra có vài giờ nhưng cũng đủ để lại trong lòng các nữ phạm nhân một ngày 8-3 tràn đầy ý nghĩa. Nó như một món quà tinh thần vô giá tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chị tiếp tục cố gắng, khép lại những sai lầm cũ, cải tạo tốt và sớm hòa nhập cuộc sống.
Buổi giao lưu giữa nữ phạm nhân với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. |
Các ca khúc hát về người mẹ như Mẹ làng Sen, Mẹ yêu, Mừng tuổi mẹ, Khúc hát ru những người mẹ trẻ... được hát lên trong buổi giao lưu giữa các chị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với các nữ phạm nhân bỗng trở nên sâu lắng và gợi lên nhiều xúc cảm. Phía dưới sân khấu, nơi dành cho các nữ phạm nhân ngồi, bỗng có nhiều đôi mắt ngấn lệ.
Tuy có muộn, nhưng không ít trong số các chị, khi đến cải tạo tại Trại giam A2, các chị mới có cơ hội được hiểu và đón ngày 8-3 với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng. Phạm nhân nữ tên L.T.H.A., 36 tuổi, tâm sự: "Đến khi vào trại giam, mình mới hiểu đầy đủ ý nghĩa của ngày 8-3, chứ lúc trước mơ hồ lắm!".
Ký ức về ngày 8-3 thời ấu thơ của chị A. vẫn còn nguyên đó nhưng nó không có ý nghĩa như bây giờ. Chị kể: Thời còn học cấp I, chị dễ thương và xinh lắm, học giỏi, là một cây văn nghệ sôi nổi của trường. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không được mẹ quan tâm, liên tục la mắng, khiến chị thấy tủi thân, bỏ học, sớm tụ tập với bạn bè và bắt đầu hư hỏng từ đó. Khi đến tuổi thanh niên, có người yêu, chị cũng được bạn trai tặng quà, tặng hoa nhưng thực sự lúc ấy chị không hiểu sâu sắc ý nghĩa Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Chị chỉ biết đó là ngày dành cho phụ nữ, vào ngày đó, con gái phải nhận được hoa, quà từ người yêu, được tha hồ đi chơi thỏa thích mà không phải xin phép mẹ. Thế rồi, vì một lời thách đố của bạn bè, chị đã thử ma túy với ý nghĩ: "Ma túy có gì mà nghiện, thích thì dùng không thích thì thôi".
Vậy là, từ thiếu hiểu biết, chị đã nghiện rồi sau đó việc bước vào Trại giam A2 với mức án gần 10 năm tù về tội mua bán ma túy. Sau khi vào trại giam, được giáo dục kiến thức và được tham gia giao lưu với các đơn vị trên địa bàn tỉnh, để có được ý nghĩa ngày 8-3 như hôm nay, chị mới thấy yêu mẹ mình như thế nào.
"Mình lại thấy mình thương mẹ hơn bao giờ hết, lại càng cảm thấy có lỗi với đứa con trai đã 6 tuổi phải sống với ông bà ngoại, mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ với con, giờ chỉ lo cải tạo tốt để có cơ hội được làm một người mẹ đúng nghĩa" - chị A. nghẹn ngào nói.
Nữ phạm nhân tên Q.T.H. cũng thổ lộ: Là một giáo viên sắp về hưu, muốn có thêm thu nhập khi về già, nên đã vay vốn Nhà nước để lập một trang trại chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra, chị thất bại trong 3, 4 năm liền, H. tiếp tục dùng lời lẽ đường mật để lừa người thân lấy tiền đầu tư tiếp nhưng tiếp tục trắng tay. Không có khả năng trả nợ, thế là chị phải vào tù với mức án 14 năm. Chị chua xót nhận ra mình đã sai lầm thì đã muộn.
Thế nhưng chị cho biết: Đã trải qua gần 4 năm ở trại giam nhưng chị ít khi thấy buồn, không nghĩ đến án hay tuyệt vọng mà luôn thấy yêu đời, phấn đấu vươn lên nghịch cảnh. Chị trở thành người dạy chữ cho các nữ phạm nhân, giúp họ có kiến thức cải tạo tốt, sống xứng đáng hơn với truyền thống người phụ nữ Việt
Hơn 200 nữ phạm nhân Trại giam A2, tuy mỗi người có một hoàn cảnh phạm tội khác nhau, đến từ các tầng lớp xã hội khác nhau nhưng có lẽ trong buổi giao lưu họ cùng có chung tâm trạng phấn khởi và cảm thấy yêu đời, tự tin hơn.
Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Trại giam A2 cho biết: "Tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị trong tỉnh, trong đó có hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 là hoạt động thường xuyên hằng năm của Trại giam A2. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo trại giam đến các nữ phạm nhân, động viên và giúp họ sống vui vẻ, lạc quan và sửa chữa tốt những sai lầm; đồng thời cũng qua những hoạt động này tuyên truyền, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho các nữ phạm nhân để họ có lối sống lành mạnh, phát huy nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam".
Chị Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng cho hay: “Tổ chức giao lưu là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm giáo dục, tuyên truyền đến các nữ phạm nhân truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, giúp các chị sống đúng hướng và có thêm niềm vui cải tạo tốt".
Hi vọng, những tiếng hát trong buổi giao lưu ấy sẽ thay lời muốn nói, như một lời xin lỗi của các nữ phạm nhân gửi đến những người mẹ, người chị, người em và gửi cho chính mình nhân dịp 8-3. Tuy có muộn màng, nhưng đó sẽ là những động lực tinh thần giúp các chị yên tâm phấn đấu, sửa chữa sai lầm và sống tốt, sống có ích, xứng đáng hơn với truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam