Ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hà Nội:

"Nóng" vấn đề chi phí Đại lễ

Thứ Tư, 08/12/2010, 11:17
Sáng 7/12, phiên khai mạc kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hà Nội khoá XIII đã bắt đầu với nội dung chính là tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Hà Nội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011. Kéo dài đến ngày 10/12, kỳ họp sẽ tập trung vào nhiều vấn đề dân sinh của Thủ đô và đặc biệt là việc đánh giá công tác tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không nên thỏa mãn với kết quả của năm 2010

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, năm 2010 đã sắp kết thúc và trên cơ sở kết quả đạt được trong 10 tháng qua, có thể thấy tăng trưởng GDP cả năm đạt cao, vượt chỉ tiêu HĐND TP đề ra. An sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo tốt hơn. Các lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội của TP tiếp tục chuyển biến tích cực.

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, quản lý đô thị, cải thiện môi trường tiếp tục được tăng cường. Đầu tư phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội duy trì ổn định…

Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là chưa tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức của người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chấp hành Luật Giao thông, bảo vệ môi trường, môi sinh.

Ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, làng nghề, trong khu công nghiệp, trên sông, hồ… vẫn là vấn đề gây bức xúc cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang trong tình trạng quá tải. Cải cách hành chính tuy đạt được nhiều kết quả, song còn những mặt hạn chế, thủ tục phức tạp trong một số lĩnh vực: thỏa thuận quy hoạch, chỉ giới đường đỏ.

Đến dự phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo UBND TP Hà Nội trong năm qua. Bí Thư Phạm Quang Nghị cũng nhắc nhở: "Thời gian qua, có phong trào các quận, huyện tổ chức nhiều đoàn đi công tác nước ngoài rầm rộ, sôi nổi. Thấy huyện này đề nghị đi nước ngoài, huyện kia cũng đề nghị, vậy ai làm việc đây? Rồi cả các nước cũng sẽ phải đón tiếp các đoàn thế nào? Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001- 2010. Nhưng chúng ta không vì làm tốt, làm khẩn trương rồi nghỉ một chặng. Chúng ta cần làm việc khoa học".

Các đại biểu nêu ý kiến trong phiên thảo luận.

Cần công khai chi phí cho Đại lễ và rút kinh nghiệm về lãng phí

Đánh giá công tác tổ chức và hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP cho biết, Đại lễ đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử: văn hiến - anh hùng - hòa bình và hữu nghị…

Các hoạt động kỷ niệm đã bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc. Đây cũng là cơ hội để Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thể hiện rõ nhất qua 102 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp Đại lễ, được gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Thị An, cần công khai, minh bạch về chi phí cho Đại lễ, xem vấn đề nào được, vấn đề nào chưa được. “Trình độ dân trí của người dân Hà Nội rất cao nên làm như thế người dân sẽ có thể tự phân tích, đánh giá. Tôi rất muốn chất lượng của một số công trình phải xứng đáng với số tiền bỏ ra.”

"Tôi thấy đại lộ Thăng Long vừa được công bố là một trong 2 dự án có vấn đề. Trong đó, cũng có một phần nguyên nhân là sức ép tiến độ nhưng đó có lẽ không phải là nguyên nhân chính bởi công trình này đã được chuẩn bị từ lâu. Tôi nghĩ nguyên nhân có thể từ đơn vị thi công", bà An nêu ý kiến. Đại biểu Vũ Đức Tân cũng cho rằng, còn nhiều lãng phí, nhất là lát gạch vỉa hè.

"Trong dịp Đại lễ 1000 năm, tôi thấy nhiều chỗ vỉa hè không cần thiết song vẫn bị xới lên, thay bằng gạch mới. Bây giờ nhiều đoạn vỉa hè vẫn ngổn ngang, hoặc đã hư hỏng, đấy là những cái không cần thiết, trong khi số tiền đó có thể đầu tư vào chỗ khác", ông Tân nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Đức Tân, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng, công tác chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm được tiến hành từ lâu, các công trình đầu tư đã được HĐND thông qua, song người dân vẫn cảm thấy vội vàng, giống như sự dồn toa gây ra bề bộn. Một số công trình đã phải xem xét và điều chỉnh nhiều lần.

"Chi phí cho Đại lễ được nhiều người dân quan tâm, đã được chất vấn trong Quốc hội. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã cho biết đang quyết toán, không chỉ liên quan đến Hà Nội mà còn các ngành có liên quan. Tôi thấy phần chi phí của Hà Nội rất cần công khai trong cuộc họp HĐND nếu thành phố chuẩn bị kịp. Chắc chắn người dân sẽ biết, không đợt này thì đợt khác vì bây giờ công khai, dân chủ được đề cao", ông Hanh khẳng định

Chi Linh
.
.
.