Nổi trôi đời lặn rong

Thứ Hai, 11/05/2009, 09:07

Lặn rong là cái nghề mà cha con ông Hà Công Ao đã gắn bó từ hàng chục năm qua. "Các cụ nhà tôi đều mưu sinh nhờ sông nước. Đời cụ, đời ông tôi gắn với đánh giậm, quăng chài, lưới cá. Cha con tôi từng có mặt ở hầu khắp các nhánh sông duyên hải Bắc Bộ, ngậm hơi trầm mình kiếm sống"...

Buổi trưa chớm hè yên ả, trên con tàu nhỏ neo bên dòng sông Hồng mùa nước cạn, sau chén rượu nồng, Hà Công Chuôm mở lòng với tôi - một người khách mới gặp lần đầu. Cái tên nó vận vào thân, hay đúng hơn các cụ trong nhà đã đặt tên cha con anh thật hồn nhiên như sông nước. Nhớ lúc giữa cuộc rượu, Hà Công Chuôm nhắc tới tên người cha của anh là Hà Công Ao, tôi đã thật bất nhã không nín được cười và lẩm nhẩm câu tục ngữ "Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước". 

Nổi trôi đời lặn rong -0
Thành quả mới nhất của anh Chuôm là trục vớt được con tàu cổ dưới lòng sông Hồng dịp cuối năm 2008.

Hà Công Chuôm đến với nghề sông nước tự nhiên như con cá dưới sông. Là con trai cả trong một gia đình nông dân - ngư dân thuần phác ở thôn Hà Tân, xã Tân Lễ (Hưng Hà - Thái Bình); khi mới lẫm chẫm những bước đi đầu tiên, Chuôm đã được cha mình lẳng xuống nước cho tập bơi.

Tuổi thơ Chuôm như con rái cá cùng chúng bạn lặn hụp khắp các bờ ao, bến sông. Lên 6 tuổi, Chuôm cũng cắp sách tới trường làng, nhưng "Tôi sợ cái chữ lắm!". Dù bị cô giáo vụt thước đến lằn cả bàn tay, cậu bé Chuôm vẫn chứng nào tật ấy, chỉ thích trốn học làm bạn với đồng trũng sông sâu kiếm con cua, con cá.

Trầy trật lắm mới xong lớp hai, nghỉ hè năm ấy Chuôm bỏ học luôn. Bố mẹ Chuôm rất buồn lòng bởi thấy trước tương lai của đứa con trai sẽ lại một đời trầm mình dưới sông nước kiếm cái ăn... Thế là chừng 11, 12 tuổi, Chuôm theo cha nay đây mai đó mưu sinh và trở thành một "cao thủ" của nghề lặn rong.

"Cũng có người mới vào nghề được vài hôm là phải bỏ. Rét căm căm như thế, trên bờ mà còn phải quần nọ áo kia; mình thì quần cộc trầm mình trong nước giá... Đấy là chưa kể bao nguy hiểm dễ mất mạng như chơi, luôn rình rập dưới sông sâu". Với ánh mắt lừ đừ bởi hơi men, Hà Công Chuôm chiêm nghiệm về cái nghề có một không hai.

Rồi Chuôm tỏ ra tự hào: "Cả huyện Hưng Hà, hiện chỉ còn lại hai bố con tôi lặn rong". Thấy tôi tỏ ra nghi ngờ điều này, anh Chuôm giải thích: Các tỉnh khác cũng có người làm, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... nhưng hầu hết là họ thành lập những công ty chuyên đi trục vớt tàu thuyền lớn gặp nạn. Còn cái nghề của tôi, "cứ lặn rong, gặp được cái gì thì lượm cái đấy".

Xác tàu bằng sắt thì bán sắt vụn, xác tàu gỗ nếu còn tốt thì bán theo dạng gỗ miếng, xấu thì bán cho người mua củi... Vào mùa lũ, nhiều khi anh Chuôm vớt được cả những khúc gỗ lớn đã được cưa cắt, xỏ lỗ để đóng bè, từ thượng nguồn trôi về... Nghe anh Chuôm cắt nghĩa, tôi chợt so sánh, có lẽ nghề lặn rong giống như nghề đồng nát vậy; chỉ có điều nghề đồng nát thì trên cạn và có vô số người làm. 

Nổi trôi đời lặn rong -0
Anh Chuôm và tác giả (giữa).

Cả anh Chuôm và bố mình đều nổi tiếng là những người bơi giỏi, lặn sâu. "Bố tôi ấy à, có thể lặn vo (lặn không có phương tiện hỗ trợ) sâu tới 15 mét trong 2 phút mỗi lần. Nếu lặn có dây hơi, ông ấy lặn sâu được trên dưới 50 mét".

Thấy khách quan tâm tới nghề nghiệp của mình, anh Chuôm vui vẻ giãi bày: Theo được nghề này đòi hỏi phải lì, có sự phối hợp ăn ý giữa người trên bờ và dưới nước. Nếu đang lặn với mũ có dây hơi ở độ sâu trên 10 mét, chẳng may máy nổ hỏng, người trên thuyền phải nhanh tay xử lí, gấp đôi dây hơi lại; chậm một chút là hơi nó tụt ngược lên, người dưới nước có thể bị hút nổ hai mắt! Người trên bờ phải luôn thương người dưới nước, có gì bất ổn phải giật dây báo hiệu ngay; nếu lơ là, chỉ chạy vào uống xong chén nước, lúc quay ra thì người dưới nước có khi đã mất mạng rồi...

Bản thân anh Chuôm đã nhiều lần hút chết vì những sự cố trong lúc lặn rong. Năm ngoái tại cảng Hồng Vân (sông Hồng đoạn qua Thường Tín - Hà Nội), nước cỏ gà chớm đỏ, anh Chuôm cẩn thận neo dây xích bảo hiểm vào lưng, đội mũ bơi và kiểm tra dây hơi rồi thả mình xuống đáy sông. Lặn được một lát, anh phát hiện cái hàm ếch rộng khoảng ba, bốn mét ở lưng chừng đáy sông, bèn chui vào với hi vọng kiếm được món gì đó.

Mò mẫm sâu mãi vào hang mới được vài thanh sắt, đang định ngoi lên thì trời ơi, dòng nước xiết quá khiến dây hơi và dây xích bện vào nhau, dây hơi bị gấp. Nghẹt thở đến sắp nổ tung phổi, nếu cố ngoi lên chắc cũng không đủ sức; anh Chuôm cố bình tĩnh lần theo dây xích và phát hiện ra đoạn dây hơi bị gấp. Khi gỡ thông dây hơi, anh nằm yên trong lòng sông cố thở cho lại sức rồi ngoi lên mặt nước.

Nổi trôi đời lặn rong -0
Anh Chuôm phải dồn tất gia sản, vay mượn thêm được hơn 230 triệu đồng mới trục vớt được con tàu cổ từ dưới đáy sông Hồng, kéo vào bờ.

"Lúc trèo được lên thuyền, người bã bời, tơi tả chẳng còn hồn vía gì; cứ như vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh" - anh Chuôm đặt chén rượu xuống sàn tàu và đôi mắt như mờ dần đi qua dòng hồi ức.

Giống như nhiều người làm nghề sông nước, cha con ông Ao nếu gặp người chết đuối thì chỉ vớt giúp làm phúc, chứ chẳng bao giờ lấy tiền của gia đình người xấu số. Cái lần gặp phải đầu lâu trong thân một con tàu ở đáy sông Trà Lý, sau khi đã lấy lại bình tĩnh, ông Ao lại lặn xuống trả "ngài" về chỗ cũ vì thân xác "ngài" còn nằm cả dưới đó. Lúc trèo lên thuyền, ông thắp ngay nén hương khấn xin "ngài" đại xá, cũng vì miếng cơm manh áo mà cha con ông vô tình xâm phạm vào cõi của "ngài"...

Vụng Tần Vường (sông Hồng đoạn giáp Nam Định, Thái Bình) là cái rốn sông sâu tới hơn 50 mét, mặt sông đang rộng tới đó bỗng thót lại; biết bao con tàu đã phải làm mồi cho hà bá nơi đây. Vậy nên mới có câu "Trăm cái bể cũng phải nể vụng Tần Vường"... Nhưng vì mưu sinh, ông Ao và anh Chuôm đã không ít lần lặn xuống tận đáy vụng; nhiều con tàu hàng, tàu cát, tàu xi măng... vẫn còn nằm lại dưới đáy sông và việc trục vớt toàn bộ chúng, hầu như là điều không tưởng.

Những năm trước kinh tế khó khăn, ông nội rồi đến cha anh Chuôm đều chỉ lặn vo, vốn rất nguy hiểm vì không có phương tiện gì hỗ trợ. Vài năm trước, anh Chuôm bàn với ông Ao mua một bộ đồ lặn từ Hải Phòng với giá 6,2 triệu đồng; mũ lặn thì 200 ngàn đồng; dây hơi rẻ hơn, chỉ 15 ngàn đồng một mét, cộng với dây xích bảo hiểm, máy nổ (để bơm hơi)... Chỉ đơn giản, "thủ công" như vậy nhưng cha con anh Chuôm đã chạm tay vào hầu hết những đáy sông sâu nhất vùng duyên hải Bắc Bộ. 

Gặp năm làm ăn thuận lợi, cha con anh Chuôm có thể để ra được ba bốn chục triệu. Sở dĩ gia đình anh Chuôm làm ăn nhỏ lẻ mà vẫn tồn tại được là vì nghề lặn rong ít người dám làm. Đa phần, khi có tàu bị chìm, các chủ tàu thông báo và thuê cha con anh Chuôm trục vớt, cố gỡ gạc lại chút tài sản; nhưng nếu thấy lỗ, họ bỏ tàu luôn.

Nổi trôi đời lặn rong -0
Anh Chuôm bắt đầu một ngày làm việc dưới đáy sông.

Ngành quản lí đường sông thì mặc nhiên thừa nhận và mong muốn cha con anh Chuôm trục hết các loại chướng ngại vật làm cản trở giao thông thủy, hai bên cùng có lợi mà. Cách đây mười năm, ông Hà Công Ao còn vớt được 2 khẩu pháo, hiện vẫn được trưng bày tại Nhà văn hóa xã Thiện Phiến (Phù Cừ - Hưng Yên). Lần đó, ông Ao cũng được ngành văn hóa tỉnh Hưng Yên thưởng 1 triệu đồng, một số tiền kha khá.

Thành quả lao động mới nhất của cha con anh Chuôm là chiếc tàu cổ chạy bằng máy hơi nước mới được trục vớt vài tháng trước dưới đáy sông Hồng, đoạn qua xã Đại Tập (huyện Khoái Châu - Hưng Yên).

Hôm ấy đang lặn rong ở độ sâu khoảng 20 mét, anh Chuôm chạm tay vào phần đuôi con tàu gỗ nằm chúi mũi xuống lòng sông, thân tàu có chỗ bị bùn đất lấp sâu tới 3,4 mét... Ròng rã nhiều ngày sục, hút đất cát quanh thân tàu, hai dây cáp đã được luồn qua thân con tàu dưới đáy sông. Mất gần một tháng trời vất vả và tốn kém tới 230 triệu đồng, cha con anh Chuôm mới đưa được con tàu vào bờ.

Nổi trôi đời lặn rong -0
Đời lặn rong của anh Chuôm cũng lênh đênh như một con thuyền.

Lập tức, chính quyền xã Đại Tập cho niêm phong con tàu theo Luật Di sản, vì có thể nó thuộc diện cổ vật. Hiện tại, anh Chuôm vẫn đang chờ UBND tỉnh Hưng Yên thẩm định giá trị lịch sử của con tàu này; nếu nó là cổ vật thì Nhà nước sẽ thu hồi và xem xét hỗ trợ cho anh Chuôm một phần kinh phí. Dù kết quả thế nào thì món tiền 230 triệu đồng bỏ ra (trong đó hầu hết là tiền vay mượn) để trục vớt con tàu luôn khiến cha con anh Chuôm toát mồ hôi mỗi khi nghĩ đến. 

"Ngẫm chuyện đời, cũng tại mình chẳng chịu học hành nên mới vất vả thế này. Tết vừa rồi, mấy đứa bạn học vỡ lòng ở Hà Nội về, từ Sài Gòn ra, xe nọ xe kia xông xênh lắm"... Anh Chuôm nói giọng buồn buồn, khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng khi nhắc tới những đứa con của mình, đôi mắt Hà Công Chuôm như sáng lên: "Cũng phải cố mà lặn rong kiếm đồng tiền nuôi các cháu ăn học tử tế. Chắc đời chúng nó sẽ đỡ khổ hơn".

Anh Chuôm khề khà kể lể với đôi mắt bàng bạc trong ánh nắng trải vàng trên mặt sông Hồng mênh mang...

Trần Duy Hiển
.
.
.