Nỗi lo sạt lở đất giữa mùa khô
Những ngày qua, tại Đồng Tháp tình trạng sạt lở đất bờ sông đến mức báo động. Vào ngày 10/3, tại ấp Tân Thạnh (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), đoạn sạt lở dài hơn 150m và ăn sâu vào đất liền hơn 70m ngay dưới chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình kè mỏ hàn xã An Hiệp. Vụ sạt lở kéo hơn 11.000m² đất vườn, 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, làm thiệt hại gần tỷ đồng.
Huyện Thanh Bình và huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) luôn là “điểm nóng” sạt lở cả mùa khô lẫn mùa mưa. |
Nhiều hộ đã phải ngậm ngùi nhìn đàn gia súc, nhà cửa, cây trồng bị “Hà Bá” nuốt chửng. Là một trong những gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, anh Nguyễn Tấn Hậu vẫn còn bàng hoàng khi kể lại sự việc trong ngày xảy ra sạt lở. Anh Hậu nói: “Tôi đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng động lớn. Lúc đó, nhiều đồ đạc trong nhà cùng cây cối gần đó bị tụt xuống nước. Chúng tôi hoảng loạn nên bỏ chạy ra ngoài”.
Ngay sau đó, UBND huyện Châu Thành, UBND xã An Hiệp huy động trên 200 cán bộ, lực lượng Công an, Quân sự, dân quân tại địa phương tích cực hỗ trợ người dân khẩn trương di dời đồ đạc, gia súc ra khỏi phạm vi sạt lở. Tiếp đó, đến ngày 17/3, tại ấp Bình Hoà (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sạt lở đất cuốn trôi 500m³ đá xây dựng thuộc cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Tư Rép.
Dù được người dân địa phương đến hỗ trợ di dời tài sản nhưng do sạt lở xảy ra nhanh, bất ngờ khiến cho mọi người không kịp trở tay. Chiếc cẩu loại 35 tấn của cơ sở này cũng bị lật ngã, hư hỏng nặng. Ông Đặng Văn Rép, chủ cơ sở Tư Rép ngậm ngùi: “Tui thuê khu đất này mở cơ sở kinh doanh trong thời hạn 5 năm. Nhưng mới thuê được 1 năm thì xảy ra sạt lở, bao nhiêu tiền của đều trôi hết xuống sông. Tổng cộng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng”.
Mặc dù chưa bước vào mùa mưa, nhưng từ đầu năm đến nay, tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã xảy ra 6 điểm sạt lở. Ngày 26/2 vừa qua, khi triều cường vừa rút thì tuyến kênh Tân Quới (ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) bị rạn nứt khoảng 30m sụp hoàn toàn xuống kênh với độ sâu hơn 2m, khoảng cách xa bờ 9m. Trước đó, tại địa bàn xã Đông Phước A cũng xảy ra 2 điểm sạt lở.
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hậu Giang, những điểm sạt lở tại huyện Châu Thành do ảnh hưởng nạo vét kênh mương chưa đúng kĩ thuật, cùng với độ xoáy mòn của dòng chảy tạo hàm ếch nên dễ xảy ra sạt lở.
Dự báo mùa mưa năm nay, tỉnh Hậu Giang xuất hiện 110 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao. Tại nhiều điểm đã xuất hiện vết nứt chiều rộng từ 3 đến 10m; chiều sâu từ 2,5 đến 5,5m. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, để có thể gia cố, xây kè đề phòng sạt lở ở các điểm này cần nguồn kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn khá lớn ngoài khả năng của địa phương, rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ Trung ương.
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân sống dọc sông Cổ Chiên (tỉnh Vĩnh Long) vô cùng lo lắng vì thường xuyên xảy ra sạt lở. Trước yêu cầu bức thiết trong việc đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống nơi sạt lở nguy hiểm, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng tuyến kè có chiều dài khoảng 800m tại khóm 6 (phường 5, TP Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Cà Mau, toàn tuyến bờ biển của tỉnh này có hơn 40km bị sạt lở nặng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà mau, tuyến bờ biển Đông có chiều dài khoảng 76km, hiện có khoảng 5km đang bị sạt lở rất nghiêm trọng gồm đoạn Khai Long - Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển và đoạn Tân Thuận thuộc huyện Đầm Dơi.
Tỉnh Cà Mau đề xuất với Chính phủ xem xét đầu tư vốn gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đê biển Đông đoạn từ Gành Hào đến sông Bảy Háp, nhằm bảo vệ rừng phòng hộ và đời sống cũng như diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân vùng ven biển Mũi Cà Mau.