Nỗi đau và hạnh phúc của con một tù nhân

Chủ Nhật, 06/01/2008, 14:34
Nếu không xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 3 Tân Kỳ (Nghệ An) thì mọi việc của gia đình tôi nỗi đau vẫn chỉ là nỗi đau chứ không thể trong sự mất mát còn có cả hạnh phúc như của bố con tôi bây giờ.

Câu chuyện tôi kể dưới đây là lời cảm ơn tới các cán bộ chiến sĩ Trại giam số 3 Tân Kỳ Nghệ An, bởi tinh thần trách nhiệm lòng nhân ái đến dung dị của họ đã mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi.

Tôi muốn viết lên câu chuyện này để ở đâu, những ai đó còn  nhìn nhận lệch lạc về nghề nghiệp của những người giám thị, quản giáo bằng hình ảnh nghiệt ngã "cai ngục", thì giờ đây sẽ nhìn họ đúng nghĩa là những người thầy.

Người thầy mà giáo án của họ là hàng ngày, hàng giờ phải khơi dậy, gạn lấy để vá víu hồi phục những mảng nhân cách còn lại của những con người tội lỗi. Họ rất đáng được trân trọng, tôn vinh.

9 năm trước cha mẹ tôi bị bắt cùng một ngày vì tham gia vào một đường dây buôn bán ma tuý. Cha tôi lĩnh án 18 năm tù, mẹ tôi 16 năm tù. Năm đó tôi mới được 11 tuổi và em trai tôi mới lên 6 tuổi. Chị em tôi lớn lên nhờ sự  tần tảo của bà nội và sự dạy dỗ của ông nội.

Luật pháp thì không có ngoại lệ, phận làm con chúng tôi không có quyền phán xét cha mẹ, chỉ ước mơ ngày nào đó được sống cuộc sống có đầy đủ cả ông bà, cha mẹ. Nhưng rồi cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chị em tôi chỉ có thể cảm nhận được trong những giấc mơ.

6 năm sau ông nội tôi qua đời, mọi lo toan gánh vác đều dồn vào một vai bà tôi lúc đó đã trên 80 tuổi. Sau những ngày làm lụng vất vả, khi chúng tôi dần chìm vào giấc ngủ là lúc bà tôi ôm quần áo của bố mẹ tôi, ngồi trước bàn thờ của ông, bà nhìn lên ảnh ông và âm thầm khóc.

Chúng tôi thương bà chỉ biết cố gắng học, ngoài ra giúp bà bán hàng, bằng lòng với cuộc sống để cố gắng vươn lên. Mọi nhu cầu vật chất, nhu cầu hưởng thụ xa xỉ như bạn bè cùng trang lứa là điều chúng tôi không dám nghĩ tới.

Thế rồi bà tôi lâm bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương kết luận bà tôi do tuổi cao cộng với căn bệnh ung thư dạ dày nên đã trả bà về cho gia đình để lo hậu sự.

Đang lo lắng, chăm sóc cho bà thì tôi lại nhận được tin bố tôi bị bệnh lao tái phát. Tôi biết, vì căn bệnh đó cách đây 2 năm bố tôi đã phải điều trị dài ngày tại trạm xá của trại. Tôi lên đường vào thăm bố, khi tôi tới nơi thì cũng là lúc bố tôi đang được các bác sĩ của trại làm thủ tục để chuyển bố tôi lên bệnh viện chuyên khoa của tỉnh.

Nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh rồi mà bệnh tình của bố tôi không thuyên giảm, ông  ho ra máu từng cơn, rồi sốt, thể trạng ngày một suy yếu tôi sợ ông bị xúc động mạnh ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nên quyết định không nói cho ông biết thông tin là bà nội ốm nặng sắp mất.

Tôi chăm bố, em tôi chăm bà. Hàng ngày chúng tôi liên lạc với nhau bằng điện thoại. Em tôi thông báo bà tôi đã không thể ăn được mà chỉ truyền nước hàng ngày và điều đặc biệt hơn có lẽ vì thương con, thương cháu côi cút mà bà tôi không yên tâm ra đi nằm trên giường bệnh rất khó khăn bà chỉ luôn nói một câu "bà đợi". 

Một buổi chiều, bố con tôi nhận được quyết định của bệnh viện tỉnh thông báo tình trạng bệnh tình của bố tôi đã quá nặng ngoài khả năng chuyên môn của tuyến tỉnh nên yêu cầu bố tôi chuyển ra bệnh viện Trung ương để khám và điều trị. Tôi thực sự  hoảng hốt còn bố tôi chỉ biết đưa ánh mắt đã đờ đẫn vì quá mệt mỏi tới bác sĩ, chiến sĩ bảo vệ của trại như van xin, cầu cứu.

Ngay lập tức tôi có cảm giác như quyết định chuyển điều trị phạm nhân của bệnh viện tỉnh như một hiệu lực chiến đấu, người nào việc đấy thông tin xin ý kiến liên tục được truyền đi từ bệnh viện đến lãnh đạo trại của các chiến sĩ quản giáo, bảo vệ, bác sĩ của trại. Vừa thao tác công việc vừa động viên bố con tôi, họ đôn đáo tất bật như một cỗ máy mà tất cả mọi chi tiết đều được hoạt động một cách nhịp nhàng.

Tôi bám theo anh bác sĩ của trại đi xe máy vượt gần 100 km về trại để xin ý kiến giám thị và làm các thủ tục tại trại. Trên đường đi tôi cố gắng tìm cách động viên anh bởi nếu không chứng kiến tôi không thể nghĩ rằng họ phải vất vả đến thế.

Anh bác sĩ cho tôi biết: "Ở trại có khi cán bộ, chiến sĩ ốm không lo và chưa chắc đã được cứu chữa kịp thời như phạm nhân ốm bởi nếu xảy ra vấn đề gì với phạm nhân thì trách nhiệm của trại là rất lớn".

Đêm mùa đông ở vùng cao miền núi Nghệ An nhiệt độ rất thấp mà người tôi cứ nóng ran, nhìn sang thấy trán anh bác sĩ cũng lấm tấm mồ hôi. Về đến trại lúc đó đã gần 23h, ông giám thị vẫn thức xử lý công việc.

Tôi ngồi ngoài đợi anh bác sĩ vào gặp giám thị để xin ý kiến, một lúc sau anh bác sĩ thông báo cho tôi biết: "lãnh đạo trại đang tiến hành xin thỉnh thị cấp trên còn chúng tôi sẽ làm tiếp các thủ tục còn lại".

Không có hành chính một cửa, bố con tôi cũng chẳng phải thưa ông, thưa bà. Cán bộ chiến sĩ của trại vẫn cứ cần mẫn làm việc, vừa tác động tâm lý vừa thao tác chuyên môn để giúp bố tôi ngăn chặn tình trạng nguy hiểm lên cao và chỉ một thời gian ngắn sau mọi thủ tục để dẫn giải bố tôi ra bệnh viện Trung ương đã được hoàn tất đúng pháp luật.

Sau 2 ngày cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Trung ương, cơn nguy hiểm của bố tôi đã được đẩy lùi cũng là lúc bà tôi không còn có thể truyền được nữa. Chị em tôi quyết định xin các chiến sĩ dẫn giải của trại giam cho phép chúng tôi đưa bà vào bệnh viện để bố tôi được gặp bà.

Liên hệ được xe cứu thương, tôi đưa bà vào bệnh viện còn bố tôi được các chiến sĩ dẫn giải mở khoá tay, chải đầu, chỉnh đốn quần áo ra gặp bà. Xe cứu thương mở nắp đằng sau để nguyên bà nằm trên cáng, 3 bố con ngồi ở ghế xe.

Bố con tôi cứ ôm bà rồi cùng khóc những giọt nước mắt nhớ nhung, ân hận, hờn trách muộn màng. Riêng chị em tôi còn có thêm cả giọt nước mắt hạnh phúc vì lúc đấy chúng tôi đã thực sự cảm nhận được sự sum họp bấy lâu nay chúng tôi khao khát, có bố lại có cả bà cho dù chỉ rất ngắn ngủi.

Có lẽ nhờ tình mẫu tử thiêng liêng và sự dao cảm đến cao độ mà bà tôi đã kiên trì chiến đấu được với định mệnh, để khi gặp được bố tôi rồi thì đêm đó bà đã thanh thản ra đi.

Sự ra đi của bà và sự đơn độc của chị em tôi đã tác động đến bố tôi một cách mạnh mẽ, đánh gục bản tính ngang tàng lì lợm của bố tôi. Ông đã khóc rất nhiều và ông hứa sẽ quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về với chị em tôi.

Chia tay các cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 3 tôi rất tâm đắc với lời tâm sự của ông giám thị "các phạm nhân vào đây người nào lĩnh án tù chung thân thì lâu nhất đến 20 năm là hết hạn còn chúng tôi ở đây người lâu nhất gần 40 năm, chỉ đến khi nghỉ hưu chúng tôi mới hết phận với trại và hết duyên với nghề". Nếu không xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của họ thì mọi việc của gia đình tôi nỗi đau vẫn chỉ là nỗi đau chứ không thể trong sự mất mát còn có cả hạnh phúc như của bố con tôi bây giờ.

Nhìn ánh mắt họ tôi biết họ đang chia sẻ hạnh phúc cùng chị em tôi và tôi thầm thán phục họ, gần "bùn" không những "chẳng hôi tanh mùi bùn" mà họ chính là những chiếc cầu đắc lực giúp những con người lầm lỗi một cách hữu hiệu sớm hoà nhập cộng đồng trong đó có bố tôi

Lan Hương
.
.
.