Những sở thích làm đẹp "quái đản"

Chủ Nhật, 27/09/2009, 11:17
Với trào lưu bấm khuyên ở chỗ kín như hiện nay, hệ lụy gây ra từ kiểu ăn chơi "quái đản" này không thể lường hết được, vì chỗ kín là nơi dễ tạo vi khuẩn, gây ra nhiễm trùng.

Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu không chỉ của chị em thời hiện đại nữa mà cả cánh mày râu giờ cũng "đua" nhau chạy theo các phong trào làm đẹp dành cho nam giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mốt làm đẹp lành mạnh thì giờ lại xuất hiện những kiểu làm đẹp "quái đản" khác người với những hệ lụy không lường trước. Nhiều bạn trẻ tưởng làm đẹp là được mọi người chú ý, ngưỡng mộ, nhưng họ đâu ngờ đến những bi kịch mà mình phải gánh chịu sau những kiểu đẹp khác người ấy.

Đua nhau làm đẹp không giống ai

Theo sự chỉ dẫn của cô em vốn có sở thích làm đẹp kiểu "quái đản", chúng tôi được mục sở thị một cơ sở "bấm khuyên" ghép chung với một cửa hàng bán quần áo thời trang tại phố Tây Sơn. Chiếc biển quảng cáo của cơ sở này khá đơn giản "Bấm lỗ không đau".

Ông chủ xuất hiện rất "xì-tin" trong chiếc quần soóc và áo ba lỗ. Cô em gái đi cùng tôi có nhu cầu xỏ khuyên rốn sau khi đã có một vài khuyên đeo trên hai tai. Ông chủ lấy từ trong hộp các-tông ra một chiếc "súng" bấm lỗ. Không sát trùng, không gây tê, ông chủ quảng cáo: "Đơn giản lắm, chỉ như con kiến cắn một cái là đã có một cái lỗ rất xinh rồi".

Ông chủ cầm chiếc bút bi đánh dấu vào chỗ rốn cần bấm, sau đó cho súng bấm vào khá sát. Tạch một cái, cô em tôi đã có một lỗ ở rốn và được đeo sẵn một chiếc khuyên với giá 30.000 đồng. Tôi hỏi: "Sau khi bấm bị sưng hay nhiễm trùng thì phải làm sao?".

Ông chủ hướng dẫn: "Em chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, tránh để va chạm mạnh chỗ bấm là đảm bảo sẽ được một khuyên rốn đẹp".

Tiếp tục, chúng tôi đến một địa chỉ bấm khuyên trên đường Đội Cấn. Cơ sở bấm khuyên này cũng kiêm luôn cửa hàng bán đồ tạp hoá và đồ lưu niệm, trông chẳng có dáng vẻ gì là một cơ sở bấm khuyên cả. Chủ hàng đang sở hữu trên tai những 3, 4 lỗ tai với kiểu đeo khuyên cầu kỳ.

Dụng cụ bấm khuyên của cô cũng chỉ là một chiếc "súng" bấm lỗ. Sau khi đã đánh dấu điểm trên tai cần bấm, cô chủ cho chiếc súng vào bóp cò đánh "tạch", rồi lấy từ đâu một ít thuốc mỡ bôi vào lỗ tai. "Xong rồi đấy em à", cô chủ hàng thản nhiên. Giá cho một lần bấm lỗ tai chỉ là 15.000 đồng.

H., người sở hữu 12 lỗ tai cùng một lúc cho biết: "Mỗi bên tai có đến 6 lỗ, khi ra ngoài, chỉ cần vén tai lên là đã thấy bao ánh mắt ngưỡng mộ nhìn mình rồi". H. chỉ cho tôi xem những chiếc lỗ trên vành tai sát ngay xương sụn tai. "Lúc mới bấm có đau. Nhưng làm đẹp thì cố mà chịu chứ!", H. tự hào nói.

Nhiều teen vẫn đang còn mặc đồng phục học sinh nhưng cũng sở hữu cho mình khá nhiều khuyên tai, khuyên mũi và cả khuyên rốn. Bấm khuyên, sở hữu một mái tóc thật cầu kỳ nhuộm màu, trang điểm kỹ lưỡng - đó là những điều kiện cần để chứng tỏ mình là một girl thật sành điệu và "kute" (dễ thương).

Theo Nguyễn Lan A., học sinh Trường THPT N.T., nhiều bạn học cùng lớp bấm khuyên tai đến lớp học lại phải tháo ra, lúc đi chơi giấu bố mẹ mới dám đeo vào. Đối với các nam sinh, cơn "bão" bấm khuyên, đục lỗ cơ thể cũng đã khiến không ít chàng rủ nhau tìm đến những cơ sở bấm cho mình một khuyên tai nho nhỏ.

Đấy là những cách bấm khuyên hết sức đơn giản, nhưng các bạn trẻ giờ đây đâu chỉ có bấm khuyên tai, khuyên rốn mà còn bấm khuyên mũi, khuyên ở những chỗ kín cho "sành điệu". Trước đây mốt xăm hình ở những chỗ kín một thời đã "làm mưa làm gió" ở các chốn ăn chơi, nay để sành điệu, nhiều cô gái, chàng trai đã chạy theo mốt đeo khuyên ở chỗ kín.

Cũng như nhiều thanh niên để chứng tỏ chất chơi của mình họ bấm đến 6 lỗ trên cùng một tai, thì nay họ lại chạy theo mốt đeo nhiều khuyên cùng một lúc ở chỗ kín. "Bây giờ phải bấm khuyên ở chỗ kín mới là sành điệu, mà càng bấm nhiều thì càng chứng tỏ đẳng cấp" - một dân chơi tự hào khoe.

Những biến chứng và nguy cơ lây nhiễm bệnh

Bấm khuyên đang trở thành một trào lưu làm đẹp trong giới trẻ, trở thành nghề đắt khách. Do nhu cầu ngày càng cao nên một con phố có đến gần chục địa điểm trưng biển quảng cáo bấm khuyên. Tuy nhiên, ở hầu hết các chỗ bấm khuyên tự phát như nêu ở trên đều sử dụng thiết bị không đảm bảo vệ sinh, không được tẩy trùng, sát khuẩn theo quy định.

Đây hầu hết là những cơ sở tự phát, hoạt động chui, không đủ thiết bị cũng như điều kiện y tế theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân. Hơn thế nữa, bản thân người đi làm đẹp cũng không hiểu hết được hậu quả khôn lường khi chọn những nơi để trao gửi sắc đẹp cũng như không biết rằng, bấm nhiều khuyên ở những vị trí khác nhau sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy kèm theo.

Tiến sỹ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, bệnh viện cũng đã tiếp nhận những trường hợp các bạn trẻ bấm khuyên dẫn đến bị nhiễm trùng, viêm sụn và mọc các khối u. Ngày 27/7, chị B., ở đường Bưởi, quận Tây Hồ vào viện vì bị mọc các khối u nhỏ từ những lỗ bấm khuyên tai.

Trước đó, vào năm 2007, chị B. có đi bấm lỗ tai để đeo khuyên. Sau một thời gian, các lỗ bấm đó to dần lên và phát triển thành khối u lớn, mọng bằng quả táo con (bên phải có một u, bên trái có hai u to và một u nhỏ). Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ những u đó.

Theo Tiến sĩ Sơn, đây là dạng u sụn ở vành tai do tai biến khi bấm lỗ. Ông Sơn khuyến cáo mọi người khi bấm lỗ chỉ nên bấm ở dái tai không nên bấm ở vành tai vì đây là tổ chức sụn, dễ gây tai biến phát triển thành u sụn, nhất là đối với những người có cơ địa sẹo lồi.

Cách đây không lâu, Viện Bỏng quốc gia cũng từng tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn K., ở Gia Lâm, Hà Nội do muốn tìm cảm giác mạnh đã xỏ khuyên vào đầu "của quý" của mình. Kết quả là chỗ xỏ khuyên sưng tấy, mưng mủ, K. lên cơn sốt. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại nên K. không đến bệnh viện khám chữa ngay. Đến lúc vị trí đeo khuyên bị chảy dịch, lở loét, không chịu nổi, K. mới đến Viện Bỏng quốc gia để chữa trị. Các bác sỹ kết luận chỗ đeo khuyên của K. bị nhiễm khuẩn nặng.

Với trào lưu bấm khuyên ở chỗ kín như hiện nay, hệ lụy gây ra từ kiểu ăn chơi "quái đản" này không thể lường hết được, vì chỗ kín là nơi dễ tạo vi khuẩn, gây ra nhiễm trùng. Viện Da liễu quốc gia cũng từng tiếp nhận một số trường hợp bị nhiễm trùng da, dị ứng từ việc bấm khuyên vào điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân do e ngại đã đến viện muộn, nguy cơ viêm da càng cao, để lại sẹo.

Bên cạnh những nguy cơ trực tiếp về sức khoẻ, việc bấm lỗ tại các điểm bấm chui, không có giấy phép hoạt động, đặc biệt là việc bấm khuyên rong, bấm dạo với dụng cụ không được khử trùng, mất vệ sinh cao còn là con đường dẫn đến lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, HIV…

Hương Giang, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội cho biết: "Sở dĩ chúng tôi chọn bấm khuyên ở cửa hàng là vì chưa nghe thấy bệnh viện nào có dịch vụ này cả, ngoài Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP HCM".

Do thiếu thông tin, nên gần như tất cả khách hàng muốn bấm khuyên đều tìm đến các cửa hàng, cửa hiệu quảng cáo bấm khuyên hoặc hàng rong, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng làm đẹp phải đi liền với thuần phong mỹ tục thì vẻ đẹp ấy mới được tôn trọng và ngưỡng mộ.

Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội cần kiểm tra ngay hoạt động của các cơ sở bấm khuyên và đưa ra cảnh báo cho giới trẻ. Chọn lựa địa điểm bấm khuyên an toàn, tốt nhất người tiêu dùng nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có giấy phép hoạt động để tránh nguy cơ tai biến

Nguyễn Hương-Trần Hằng
.
.
.