Những phụ nữ khuyết tật vượt lên số phận

Thứ Tư, 22/10/2014, 09:41
Bị khiếm khuyết một phần thân thể, thậm chí có người bị mất đi một bàn chân, chân còn lại bị dị tật... nhưng những phụ nữ mưu sinh ở làng nghề chổi đót Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) vẫn nghị lực vượt lên nghịch cảnh của số phận. Ít ai biết được rằng, sản phẩm do họ làm ra lại có mặt trên khắp mọi miền đất nước…

Một buổi sáng trung tuần tháng 10, dưới cơn mưa tầm tã, cụ bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi) vẫn chống gậy bước đi khập khiễng do chân bị khuyết tật, đến xưởng chổi đót Dũng Huệ, tại tổ 8, phường Thủy Phương, để làm việc. Hơn 13 năm qua, người dân ở địa phương này dường như đã quá quen thuộc hình ảnh cụ Bé mỗi ngày đều đặn đi làm. Do đó mà khi cụ đau ốm là họ biết ngay… Trong khu xưởng chứa hàng tấn cây đót, cụ Bé tẩn mẩn lựa nhặt gộp cây đót lại rồi bắt đầu các thao tác buộc sợi nilon, dây thép để làm thành từng chiếc chổi cán tre hoàn chỉnh.

Cụ tâm sự, năm lên 10 tuổi, trong lần đi mò cua bắt ốc trên sông thì chân phải của cụ không may đạp trúng cây đinh gỉ sét. Do không được chữa trị kịp thời nên vết thương lan rộng, buộc cụ phải cắt bỏ cả bàn chân. “Bàn chân trái bị dị tật ngón dài ngón ngắn, trong khi bàn chân phải không còn nên lúc đó tui khóc dữ lắm, vì biết mình đã trở thành người tàn tật và suốt đời không thể đi lại. Thế rồi, hơn 3 năm sau, nhờ chịu khó tập đi và sự giúp sức của chiếc gậy gỗ nên tui mới đi được những bước đầu tiên dù rất khó nhọc...”, cụ Bé trải lòng. Gia đình đông con, cụ cố gắng xin làm giúp việc, rửa chén bát ở các xưởng may, quán ăn, nhà hàng ở TP Huế nhưng tất cả đều từ chối. Năm 1990, khi ông Nguyễn Đình Dũng (55 tuổi) mở cơ sở sản xuất chổi đót đầu tiên ở phường Thủy Phương, cụ tìm đến để xin việc. Thương cụ tàn tật, vợ chồng ông Dũng đã nhận vào xưởng làm với mức lương trên 1 triệu đồng/tháng.

Những phụ nữ khuyết tật cần mẫn làm việc ở làng nghề chổi đót Thủy Phương.

Ông Dũng cho hay, những năm về trước, do đầu ra của chổi đót không ổn định nên cơ sở chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Từ năm 2000, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn hàng trăm triệu đồng để mở rộng sản xuất, qua đó tạo điều kiện công ăn việc làm cho khoảng 30 chị em phụ nữ. Trong đó, có nhiều người khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 3 triệu đồng/1 tháng. “Nhờ những bàn tay cần mẫn của các bà, các chị mà sản phẩm chổi đót truyền thống Thủy Phương hiện đã có mặt ở mọi vùng miền của đất nước”, ông Dũng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Búp, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thủy Phương cho biết thêm, ngoài xưởng sản xuất chổi đót Dũng Huệ, hiện trên địa bàn phường còn có thêm 3 cơ sở sản xuất chổi đót lớn đã tạo việc làm quanh năm cho hàng trăm lao động phụ nữ địa phương. Trong số đó có rất nhiều chị em là người khuyết tật, tàn tật... nhưng vẫn được các chủ xưởng cưu mang và cho làm các công việc nhẹ nhàng. “Qua ghi nhận những trường hợp khuyết tật vẫn có thể lao động và sống bằng nghề làm chổi đót nên địa phương đang khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất tương tự để tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn, nhằm giúp họ vơi bớt khó khăn lẫn sự mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu được rằng, dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể; nhưng các bà, các chị vẫn nghị lực vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực làm việc để không trở thành gánh nặng cho xã hội...”, bà Búp bày tỏ

Lê Anh
.
.
.