Những hệ lụy đau lòng từ việc tự tử bằng lá ngón
Ám ảnh mang tên lá ngón
Đã hơn 4 tháng trôi qua, nhưng trong ngôi nhà của ông Nông Văn Dí (thôn 9, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong) vẫn bao trùm một không khí tang thương, u ám. Chỉ vì bế tắc trong cuộc sống gia đình, hai con người trong ngôi nhà này đã tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón để giải quyết vụ việc.
Em Nông Thị Vàng (18 tuổi) vẫn chưa hết đau buồn kể lại, cách đây hơn 4 tháng, chị gái của Vàng là Nông Thị Phằng (20 tuổi) có quen và yêu một chàng trai khác thôn. Ngày qua ngày, tình yêu giữa hai người càng sâu đậm, nhưng khi biết được sự tình, ông Nông Văn Dí, bố của Phằng đã tìm mọi cách để ngăn cản, không cho Phằng qua lại với chàng trai này. Lý do mà ông Dí đưa ra là chàng trai còn quá trẻ, không có công ăn việc làm, trong khi đó Phằng lại là một trong những lao động chính để phụ giúp bố mẹ nuôi hai em đang còn ăn học.
Bị bố phản đối, Phằng chỉ biết ôm nỗi buồn và im lặng. Cũng từ đây, cả ngày Phằng hầu như không nói với ai lời nào. Rồi một ngày, Phằng nói với mẹ là đi thăm các em đang học nội trú trên huyện, nhưng mẹ đợi mãi không thấy con về. Ngay ngày hôm sau, người dân phát hiện ra Phằng đã chết vì ăn lá ngón. Cái chết của Phằng làm cả nhà đau khổ, nhất là ông Dí thì trở nên trái tính và uống rượu nhiều hơn.
“Khi chị Phằng mất, bố thay đổi rất nhiều, thường xuyên đánh đập và dọa giết nên mấy mẹ con em phải qua nhà người quen để ở tạm. Sau vài tuần, thấy bố nhờ một người trong xóm gọi mấy mẹ con về để gặp, nhưng khi về đến nơi thì thấy bố đã chết cũng vì ăn lá ngón. Mẹ em đã đổ bệnh sau khi cả chị và bố đều ra đi. Cũng từ ngày đó, em và em trai đều phải nghỉ học về nhà làm rẫy phụ mẹ” - Nông Thị Vàng đau xót kể lại.
Cũng tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón, nhưng hậu quả mà đôi vợ chồng trẻ Hoàng Thị Xía (30 tuổi) và anh Thào A Vè (30 tuổi, trú thôn 9, xã Quảng Hòa) để lại hết sức đau lòng. 4 đứa trẻ thơ dại bỗng chốc trở nên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Lá ngón mọc nhan nhản và dễ tìm như cây rau rừng ở xã Quảng Hòa. |
Tâm sự với chúng tôi, anh Hoàng A Tu (32 tuổi, anh trai của chị Hoàng Thị Xía) cho biết, cách đây mấy năm, Hoàng Thị Xía có yêu và lấy người cùng thôn, cùng tuổi là anh Thào A Vè. Sau mấy năm chung sống, hai người có với nhau 4 đứa con, đứa lớn nhất nay cũng được 10 tuổi, đứa nhỏ nhất là 3 tuổi. Cuộc sống vốn khó khăn, nhưng Thào A Vè lại thường xuyên rượu chè, nhiều lúc không có tiền, nên hễ có bất cứ thứ gì giá trị trong nhà đều đưa bán hết để thỏa mãn cơn nghiền với đệ tử lưu linh. Chị Xía phàn nàn thì bị Vè đánh đập, luôn cảm thấy đau khổ, uất ức.
Vào một ngày cuối tháng 4 vừa qua, mấy đứa trẻ vừa khóc vừa gọi mãi không thấy mẹ tỉnh dậy. Còn Vè thì thực sự bàng hoàng khi biết vợ mình đã ăn lá ngón để tự tử, cảm giác tội lỗi cứ vây quanh, ám ảnh Vè hằng ngày. Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai thì chỉ mấy tuần sau đó, những đứa trẻ lại chịu cảnh mồ côi cha khi Vè cũng quyết định ăn lá ngón để đi theo vợ. Cuối cùng, anh Tu đành nhận nuôi 2 cháu nhỏ, còn 2 cháu lớn thì giao cho người chú ruột.
Ngôi nhà của vợ chồng chị Xía và anh Vè vẫn bao trùm không khí tang thương. |
Cần nâng cao ý thức người dân
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Xái Tu (44 tuổi, trú thôn 9, xã Quảng Hòa) cho biết, anh biết đến cây lá ngón từ năm 12 tuổi, khi anh còn ở ngoài Bắc. Cũng chính bố anh do say rượu đã ăn nhầm phải lá ngón, dẫn đến tử vong. Năm 1994, anh chuyển vào xã Quảng Hòa sinh sống. Và cũng ngần ấy năm, anh đã chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết tức tưởi từ lá ngón.
“Từ xa xưa, người Mông mình đã truyền tai nhau về độc tính của cây lá ngón, nên già trẻ lớn bé ai cũng biết về loại cây này. Lá ngón chỉ phát huy tác dụng khi nhai nuốt, hoặc nấu thành nước sử dụng. Khi ăn lá ngón một lượng vừa phải, nếu không sơ cứu kịp thời, để độc tố ngấm vào cơ thể thì vô phương cứu chữa. Tại xã Quảng Hòa, lá ngón nằm nhan nhản trên đồi núi, rất dễ tìm kiếm” - anh Tu cho biết thêm.
Theo ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa thì địa phương này có trên 1.000 hộ dân, với hơn 5.000 khẩu, trong đó người dân tộc Mông chiếm tới 54%. Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng người Mông tự tử bằng lá ngón đang trở nên rất phổ biến, bình quân mỗi năm đều có từ 2 - 3 trường hợp. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, toàn xã có 7 trường hợp tự tử thì trong đó có đến 5 trường hợp tìm đến cái chết bằng lá ngón. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có thể nói chủ yếu là do đời sống dân trí còn thấp, nhận thức hạn chế. Nhiều người mỗi khi gặp phải chuyện buồn, khó khăn gì lại nghĩ đến cái chết để tìm lối thoát mà không hề quan tâm đến những hậu quả về sau.
Trước tình trạng tự tử ngày càng phổ biến, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, xã hội cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân như: Sống có trách nhiệm với bản thân và người thân, không nghĩ đến cái chết trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi gặp chuyện thì cần chia sẻ để mọi người cùng giúp đỡ và tháo gỡ khó khăn… Chính quyền cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, ban tự quản các thôn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc gần gũi, theo dõi và phát hiện các trường hợp gặp khó khăn nhằm kịp thời động viên, giúp đỡ, hạn chế tình trạng tự tử bằng các hình thức nói chung và ăn lá ngón nói riêng