Những cô nuôi dạy "trẻ thiểu năng"

Thứ Bảy, 13/11/2010, 09:53
Có đến nơi này mới thấy hết được những nỗi gian truân vất vả và tấm lòng yêu thương con trẻ của người thầy. Những đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt, cười vô cớ, lơ đễnh và chẳng hề quan tâm tới ai. Đó là những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ ở Trung tâm Sao Mai.

Các cháu đến lớp mỗi buổi sớm mai không ríu rít hồn nhiên như "búp trên cành", không giống bao đứa trẻ ở những lớp học bình thường khác. Mà, bắt đầu một ngày mới là chuỗi vất vả mà các cô giáo ở Trung tâm Sao Mai dang rộng vòng tay đón chờ. Với hy vọng một ngày kia các cháu sẽ trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, gia đình như bao đứa trẻ bình thường khác. Và điều đó đã trở thành sự thật nhờ những tấm lòng nhân hậu của những cô giáo nơi này.

Một chiều đầu đông, tôi đến Trung tâm Sao Mai nằm trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng là lúc bố mẹ hối hả đến đón những đứa con thân yêu của mình trở về sau một ngày "luyện" ở lớp học đặc biệt. Không giống như trẻ bình thường, những đứa trẻ này rất lạ, nhìn thấy bố mẹ vẫy tay đón về mà cứ lơ đễnh như người xa lạ, có cháu còn quay vào lớp thẫn thờ ngồi một mình tay mân mê quả bóng tròn…

Thấy lạ, tôi hỏi cô giáo Đặng Thị Thu Thủy, được biết ở đây các cháu đều là trẻ khuyết tật về tâm thần, chậm phát triển và có nguy cơ tự kỷ rất cao. Lớp Chim Non do cô Thủy, cô Vinh, cô Giang, cô Hòa nuôi dạy có 26 cháu, từ 5 tuổi trở xuống. Cô Thủy là giáo viên dạy giỏi ở Trung tâm Sao Mai, đã có nhiều năm kinh nghiệm, xởi lởi kể rằng, ngày nào cũng bắt đầu từ 7h30' là các cô sẵn sàng một ngày mới, ân cần niềm nở đón các cháu vào lớp học từ tay bố mẹ.

Cô giáo Đặng Thị Thu Thủy với các cháu lớp Chim Non.

Chương trình của một ngày luôn được khép kín theo quy định nghiêm ngặt của một lớp học đặc biệt. 5 tuổi với một đứa trẻ bình thường thì các cô giáo không mấy vất vả, nhưng ở đây thì ngược lại. Các cháu không biết nói, chậm giao tiếp, luôn sống khép mình và rất khó khăn trong học tập.

Cô Thủy gọi một bé trai và ôm cháu vào lòng rồi bộc bạch: "Đây là cháu Minh Đức, bây giờ đã biết nói rồi". Đức là một bé trai kháu khỉnh, đôi mắt sáng và khuôn mặt thanh tú đáng yêu lắm. Còn nhớ, ngày Đức vào lớp, mẹ cháu buồn bã trình bày với các cô giáo, cháu vừa mới mổ tim, mổ não, nằm cả khi ăn uống và không thể nhận biết được gì.

Đức đến Trung tâm Sao Mai đến nay tròn 4 tháng, đã là một bé trai hoàn toàn khác. Ai đến là Đức cũng sà vào lòng âu yếm, đã biết ngồi để tập xúc cháo, xúc cơm ăn. Khi mẹ đến đón, Đức ùa ra chào mẹ. Người mẹ ngạc nhiên quá đỗi khi đứa con trai yêu quý phát ra từ miệng nhỏ xinh của nó những từ ngữ mà chị nghe thấy cứ ngỡ trong mơ. Chị vui sướng nựng con: "Con nói được rồi à". Đó là biết bao công sức của cô giáo Thủy và 3 cô giáo ở lớp Chim Non.

Cô giáo Đỗ Thuý Hằng với các cháu ở lớp Vành Khuyên.

Nói về nỗi vất vả thì nhiều lắm, trước khi vào đây các cháu đều là những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, khóc cười không bình thường, không biết thể hiện nhu cầu cảm xúc và cũng chẳng biết chia sẻ với ai. Đặc biệt là khâu ăn uống thì gian nan lắm, chỉ cần ngửi thấy hơi lạ là nôn thốc nôn tháo. Các cô phải phục vụ từ A tới Z, phải bắt đầu dạy các cháu từ những động tác nhỏ nhất, đơn giản như động tác chỉ tay cũng phải mất hàng tháng.

Cô gọi mà cháu nghe được cũng là cả một quá trình không đơn giản. Có những cháu bị bệnh nặng rồi gia đình mới đưa tới trung tâm thì khả năng phục hồi rất khó, sự kiên trì và tấm lòng yêu thương của các cô giáo phải tăng nhiều lần.

Cô Thủy kể về cháu Lê Vương Hoàng, đã vào lớp được 7 tháng. Nhà Hoàng ở tỉnh Nghệ An. Trước lúc vào đây Hoàng 2 tuổi mà cứ ngơ ngác và không hề có phản ứng gì. Bố mẹ Hoàng đều là giáo viên phổ thông trung học.

Lo lắng về bệnh tình của con trai, mẹ cháu đã phải xin nghỉ việc mang con ra Hà Nội thuê nhà để chạy chữa. Hằng ngày, Hoàng được mẹ đưa đến Trung tâm Sao Mai. Sau 6 tháng, Hoàng đã biết ghép các số, đếm được tới 100, biết vệ sinh cá nhân và ăn ngủ tốt. Để có được sự thay đổi kỳ diệu như vậy là công sức và tấm lòng của các cô giáo trong lớp Chim Non.

Cô Thủy tâm sự: "Thực sự là các cô giáo ở đây vất vả lắm và rất kiên trì. Phải có tấm lòng yêu trẻ mới làm được điều đó. Nhiều khi cô nói khản cả cổ mà trò vẫn… tỉnh bơ, cứ như người điếc. Các cháu phản ứng quá chậm, Chúng em phải dạy đi dạy lại nhiều lần một động tác nhỏ. Ngoài tấm lòng yêu thương con trẻ, các cô giáo ở đây đều là giáo viên mầm non đặc biệt, cử nhân tâm lý. Hàng tháng đều được tập huấn để trao đổi kinh nghiệm".

Có lẽ vất vả nhất là các cô giáo ở lớp Vành Khuyên, học sinh của họ là những trẻ bại não, đa tật. 14 cháu với sự chăm sóc của 4 cô giáo. Cô Nguyễn Việt Đức, Đỗ Thúy Hằng là 2 y sĩ trị liệu, và 2 cô giáo dạy về tâm lý, dạy chữ cho các cháu. Lúc tôi đến đã cuối buổi chiều nhưng cô Hằng vẫn bế trên tay một bé gái cứ khóc ngằn ngặt, đỏ hoe cả mắt. Cô chỉ vào một bé trai đang ngồi cạnh than thở: "Hai cháu này cứ khóc từ sáng tới giờ đấy chị ạ".

Vừa bế và nựng hai cháu, cô vừa bảo các cháu trong lớp không được xô đẩy lẫn nhau. Cô cứ quay đi quay lại như… chong chóng. Chỉ ngồi chừng 30 phút thôi tôi đã cảm nhận được nỗi vất vả của các cô dành cho các cháu trong suốt một ngày. Cô Nguyễn Việt Đức bảo, đây là lớp mà học sinh đều bệnh nặng. Các cháu hầu như không biết gì, chỉ có 3 cháu biết vệ sinh, biết gọi cô giúp đỡ. Với tấm lòng của các cô giáo nơi đây, bằng sự kiên trì trị liệu, phương pháp bấm huyệt hữu hiệu, một số cháu đã phục hồi về ngôn ngữ và biết viết số, học chữ…

Ở Trung tâm Sao Mai có hơn 30 lớp học đặc biệt với những đứa trẻ bệnh tật khác nhau. Đến ngôi trường đặc biệt này, thấy sự tận tâm tận lực của những cô giáo nơi đây, họ vừa là những kỹ sư tâm hồn, vừa là thầy thuốc và quan trọng hơn nữa là trong họ có một tấm lòng yêu trẻ… tất cả đã giúp họ vượt qua khó khăn để mang lại hạnh phúc cho đời, dẫu mức thu nhập hằng tháng cũng chỉ đủ đảm bảo một cuộc sống đạm bạc mà thôi

Kim Quý
.
.
.