Những cảnh đời đi ở trọ chữa bệnh

Chủ Nhật, 03/05/2015, 10:10
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đường phố Hà Nội vắng vẻ khác thường. Đường phố Đê La Thành hằng ngày chật kín xe cộ, hôm nay cũng thưa thớt, thông thoáng. Con dốc xuống Bệnh viện Nhi Trung ương không có cảnh tắc đường như mọi khi. Người Hà Nội tranh thủ đi chơi xa. Bệnh viện cũng bớt bệnh nhân hơn trong ngày nghỉ lễ. Thế nhưng, ở khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn có hàng trăm con người đang cùng con nhỏ vật lộn với tử thần, chống chọi với cuộc đời nghiệt ngã. Với họ, mỗi ngày trôi qua như dài vô tận.

Chống chọi với số phận

Trong không gian chung ở ngõ 879 đường Đê La Thành, 4, 5 ông bố của các bệnh nhi ngồi quây lại nhau cùng uống trà với ông chủ nhà trọ. Người hút thuốc lào, người nghe nhạc qua điện thoại. Câu chuyện ngắt quãng của họ hầu như chỉ xoay quanh những đứa con, những bác sỹ và công đoạn điều trị cho con.

Chuông điện thoại reo: “A lô! Bố cu à?”- chị quản lý nhà trọ nghe điện thoại rồi chạy ào đi. Chỉ 2 phút sau chị quay lại: “Anh người Hải Phòng thuê trọ bảo để quên 500.000 đồng ở đầu giường, chị chạy vào xem có không nhưng không thấy. Đang ở nhà trọ, bác sỹ gọi điện, cả nhà chạy vội vàng vào viện, chắc đãng trí”. Rồi chị kể về hoàn cảnh của gia đình anh, về cậu con trai Hải Đăng đang nguy kịch trong bệnh viện với lòng thương cảm sâu sắc.

Lát sau, người đàn ông ấy trở về khu nhà trọ - anh Cao Hữu Nho ở xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Nét mặt buồn rười rượi, anh nói với ông Hiệp: “Chắc hỏng rồi ông ạ!”. Anh tâm sự: “Cháu mới có 6 tháng, bị tim bẩm sinh, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch phổi. Trước Tết cháu đã nằm viện 22 ngày, mùng 6 Tết lại lên, vừa được mổ, nhưng mổ xong cháu lại bị nhiễm trùng. Giờ chắc chỉ còn 1/1.000 tia hi vọng”. Cháu Hải Đăng là con thứ 3 của anh Nho.

Cô con gái lớn đang học đại học ở Hải Phòng tranh thủ mấy ngày nghỉ chạy lên Hà Nội thăm em. Anh Nho bảo, chẳng quan tâm hôm nay là ngày nghỉ hay không. Vì nếu con không ở bệnh viện thì ngày nào chả như ngày nào, vợ chồng anh vẫn quanh quẩn với hơn 2 sào ruộng.

May mắn hơn anh Nho, vợ chồng anh Sùng A Châu và chị Mùa Thị Sa ở xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La còn được ôm con trai bé bỏng 5 tháng tuổi trong lòng. Nhìn đôi mắt đen tròn xoe với nước da ngăm ngăm khỏe mạnh của cậu bé dân tộc Mông, chẳng ai nghĩ về bệnh tật. Thế mà, chiếc túi đặc biệt đựng chất thải đeo lủng lẳng và vết chích bên bụng cậu đã nói lên tất cả. Sùng Anh Tuấn sinh ra không có hậu môn nên ngày chào đời cũng là ngày cậu lên bàn mổ. Trải qua 2 lần phẫu thuật, giờ cậu bé sắp phẫu thuật lần 3. Từ khi sinh bé, vợ chồng Châu, Sa lấy bệnh viện làm nhà. Những ngày ở trọ, họ không khỏi nhung nhớ đứa con đầu mới lên 3.

Ông Hiệp (bên phải) và vợ chồng anh Sùng A Châu, Mùa Thị Sa trong khu nhà trọ.

Ở xóm trọ Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi con người tá túc ở đây là một mảnh đời. Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, có hoàn cảnh riêng, có những đứa con mang bệnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là có con mang bệnh trọng, là nghèo khó, là nợ nần đeo đẳng  với nỗi lo toan kéo dài như không dứt. Ngày Quốc tế lao động, cũng là ngày đầu tiên anh chồng người dân tộc mạnh dạn bước ra đường phố Hà Nội, tìm việc làm thuê để tồn tại và chữa bệnh cho con.

Ấm tình người nơi xóm trọ

Đa số những người nhà bệnh nhi thuê trọ giá rẻ ở quanh Bệnh viện Nhi Trung ương đều là nông dân, người làm thuê, có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Thế Hiệp, chủ khu nhà trọ giá rẻ ở ngõ 879 Đê La Thành dù kinh doanh nhưng lại thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn. Ông có 3 buồng trọ chung và 29 buồng trọ riêng. 3 buồng trọ chung có thể dành cho 80 người thuê trọ với mức giá rất thấp – 15.000 đồng/người/ngày đêm (có đầy đủ vật dụng sinh hoạt, chỉ thiếu mỗi xà phòng). “Giá chung là vậy, nhưng với các cháu bị ung bướu và chạy thận thì tôi chỉ lấy 10.000 đồng/người/ngày đêm, bao gồm cả chi phí điện, nước và sử dụng đồ dùng. Các cháu phải điều trị dài ngày nên chi phí tốn kém lắm”.

Vợ chồng chị Cút Thị Sung được dành riêng một buồng trọ nhưng phải vay tiền của ông chủ trọ, ngay đến chi phí chữa bệnh cho con cũng chẳng có thì lấy gì để trả tiền trọ? Ông Hiệp bảo, cháu bé mới mổ não, lại cần phải đảm bảo vệ sinh, tránh tiếp xúc đông người nên cần ở riêng. Chị Sung kể: “Buồng này ông vẫn cho thuê 100.000 đồng/ngày đêm. Thế mà ông chỉ lấy em 60.000 đồng thôi. Nhưng, tiền vay ông còn chưa trả được thì tiền thuê trọ em cũng chưa biết sao đây…”.

Chuyện ông chủ nhà trọ cho người thuê trọ vay tiền, lấy chứng minh nhân dân của ông làm địa chỉ để người nhà chuyển tiền, rồi chuyện giảm phí thuê trọ, hỗ trợ tàu xe về quê… là chuyện thường ngày ở xóm trọ này. Thậm chí, ông còn tìm nguồn giúp đỡ những bệnh nhi nghèo đặc biệt khó khăn.

Những ngày lễ này, lượng người thuê trọ chỉ bằng 1/3 ngày thường. Bất đắc dĩ họ phải ở lại với đứa con đáng thương đang chống chọi từng giây phút trong viện. Bác sỹ gọi điện, họ bật dậy, tất bật lao vào viện, thấp thỏm lo cho tính mạng của con. Trong xóm trọ nghèo, dù khó khăn, khốn khổ nhưng tình thương, sự sẻ chia vẫn ngập tràn. Vào mỗi dịp nghỉ lễ như thế này, những bạn đọc có tấm lòng vàng hãy coi đây là một địa chỉ để làm việc thiện, giúp ích cho các hoàn cảnh khốn khó. 

Việt Hà
.
.
.