Nhức nhối vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:13
Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; xây lắp không đúng quy định đối với công trình xử lý môi trường… là những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đang diễn ra ở nước ta.

Trước những bức thiết về vấn đề môi trường, ngày 31/3, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường tổ chức hội thảo khoa học “Bảo về môi trường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đưa ra cảnh báo, năm 2000, cả nước có 649 đô thị lớn nhỏ thì năm 2013 đã tăng lên 779 đô thị. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 40%, tương đương với số dân cư sinh sống tại đô thị - trên 45 triệu dân. 

Cán bộ Khoa Cảnh sát môi trường, Học viện Cảnh sát nhân dân lấy mẫu nước tại công viên Hòa Bình (Hà Nội) để làm xét nghiệm.

Mục tiêu đề ra cho diện tích bình quân đầu người là 100m²/người. Nếu đạt tỷ lệ 100m²/người, Việt Nam cần có khoảng 450.000ha đất đô thị, nhưng hiện nay diện tích đất đô thị chỉ có khoảng 105.000ha. Với tốc độ phát triển đô thị và dân số đô thị như vậy, nước ta sẽ đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ quá trình đô thị hóa và một trong những vấn đề đó là sự gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động xây dựng cơ bản gây ra.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, thì vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến và tập trung vào các hành vi như: không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận; hầu hết các dự án đầu tư xây dựng, các quy chuẩn xây dựng liên quan đến bụi, tiếng ồn, độ rung, diện tích đất trồng cây xanh, hệ thống tiêu thoát nước… nhìn chung không được các chủ đầu tư quan tâm; chất thải rắn phát sinh trong quá trình xây dựng không được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; còn phổ biến tình trạng chất thải xây dựng, rác thải sinh hoạt bị rơi vãi, đồ trộm, dẫn đến nguy cơ công viên cây xanh, ao hồ ngày càng bị thu hẹp… 

Kết quả quan trắc chất lượng nước ao, hồ trong nội thành của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc mức 4, hàm lượng COD dao động từ 100-580mg/l (vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-10 lần); các chỉ tiêu phù dưỡng như nitơ, phốt pho đều vượt ngưỡng từ 2 đến 4 lần, nồng độ oxy hòa tan trong nước hồ ở mức thấp, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy.

Theo Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội, năm 2014, Hà Nội xử lý 206 vụ vi phạm về môi trường, điển hình là không có đề án bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thậm chí một số bãi xử lý mặc dù đã đi vào hoạt động một thời gian dài, nhưng vẫn chưa lập đề án bảo vệ môi trường như bãi xử lý Vĩnh Quỳnh, Nguyên Khuê… “Nóng” nhất là đổ trộm phế thải ở các dự án treo, khu đất nông nghiệp ven đường Nguyễn Xiển, dự án Công viên Cầu Giấy, gầm cầu dẫn lên cầu Thanh Trì, bãi đá sông Hồng…

Theo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường thì phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như: đổ trộm phế thải xây dựng tại các vùng ven đô thị, những nơi ít người qua lại, các khu vực giáp ranh về địa giới hành chính; ngụy trang phương tiện vận chuyển và phân công người dẫn đường, cảnh giới cho các phương tiện đổ thải… 

Các dự án quy hoạch khu xử lý và chôn lấp phế thải xây dựng trên địa bàn toàn quốc chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và tiến độ thực hiện chậm. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành thường xuyên; xử lý vi phạm chưa nghiêm và triệt để; công tác quản lý nhà nước về môi trường còn sai sót, yếu kém. Đặc biệt, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn thấp, chưa đủ sức răn đe. 

“Chúng ta chưa xử lý hình sự được các hành vi gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí” - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết.

Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, thì lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường gặp khó khăn khi thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa là do hệ thống các quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này vẫn gắn cùng với các quy định về bảo vệ môi trường nói chung, mà chưa có quy định riêng đối với yêu cầu bảo vệ môi trường trong các hoạt động đặc thù của lĩnh vực xây dựng cơ bản. 

Để khắc phục, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, cần phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, có lộ trình, bước đi thích hợp. Đặc biệt là khẩn trương nghiên cứu Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Nghị quyết 35 của Chính phủ về “Một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” để đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng các văn bản pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân… trong phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trong hoạt động xây dựng cơ bản.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thiết nghĩ lực lượng Cảnh sát môi trường cần mở đợt cao điểm tập trung đấu tranh với loại vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này; mỗi đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý ít nhất 2 đến 3 vụ lớn để giáo dục, răn đe.

Theo TS Đào Đình Thuần, Khoa Môi trường, Đại học Mỏ - Địa chất: Qua một nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất 91,4%, thấp nhất là quận Tây Hồ với 55% .
Hằng Phương
.
.
.