Nhức nhối tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng
Nhận thức rõ sự tác động tiêu cực của tình trạng chặt phá rừng, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó có cả chính sách hình sự góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, duy trì và phát triển diện tích rừng nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Việt Nam là một trong những nước đã và đang xảy ra tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép phức tạp cả về tính chất và mức độ thiệt hại. Trong nhiều năm gần đây, để đấu tranh với tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng ngày càng có xu hướng gia tăng, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tiến hành điều tra, truy tố xét xử hàng nghìn vụ án hình sự với hàng nghìn bị can, bị cáo.
Số liệu thống kê mới nhất của TAND Tối cao cho thấy, từ năm 2007 đến 2014, TAND các cấp đã đưa ra xét xử 2.299 vụ án hình sự với 4.568 bị cáo phạm tội xâm phạm tài nguyên rừng, trong đó có 2.501 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng; 2.028 bị cáo phạm tội hủy hoại rừng và 39 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Số liệu trên cho thấy, tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng chủ yếu là tội phạm vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng và tội phạm hủy hoại rừng.
Qua phân tích các vụ án thấy rằng, bên cạnh các hành vi phạm tội mang tính chất đơn lẻ, đã xuất hiện nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, đặc biệt là các tội phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép. Nhưng trên thực tế, số lượng vụ án hình sự có tổ chức nêu trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 2.299 vụ án hình sự đã đưa ra xét xử. Cụ thể, năm 2013, có hơn 27.200 đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng nhưng chỉ 117 đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số đối tượng còn lại chỉ bị xử phạt hành chính.
Một trong những nguyên nhân chính là việc bắt giữ để điều tra, truy tố những đối tượng chủ mưu, cầm đầu hết sức khó khăn vì những đối tượng này không bị tố giác hoặc có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nên đã che giấu được hành vi phạm tội của mình.
Cơ quan Công an bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép gỗ. |
Điều đáng nói nữa là số lượng các vụ án hình sự đã được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử chưa phản ánh hết được thực trạng phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép. Bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng chỉ bị xử lý hình sự nếu hành vi của họ gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn còn vi phạm. Do đó mặc dù hàng năm, số đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng rất lớn nhưng chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính.
Đây là một thực tế đáng lo ngại trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm về tài nguyên rừng, vì nguy cơ “hành chính hóa” các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng sẽ khiến các đối tượng phạm tội có biểu hiện coi thường pháp luật.
Thẩm phán Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) cho biết, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tội phạm xâm tài nguyên rừng thành ba loại tội phạm khác nhau: tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175); tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (Điều 176) và tội hủy hoại rừng (Điều 189). Theo ba điều luật trên thì bất kể người giữ chức vụ, quyền hạn hay người dân có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật, hoặc xử phạt hành chính về các hành vi: khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng; vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép; giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật; cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khai thác hủy hoại rừng; chặt phá các loại cây thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ mà còn vi phạm thì bị coi là tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng.
Các điều luật của Bộ luật Hình sự cũng phân biệt thành hai loại đối tượng: đối tượng phạm tội mang tính chất đơn lẻ và đối tượng phạm tội có tổ chức. Về hình phạt, Bộ luật Hình sự quy định ba loại hình phạt được áp dụng theo từng hành vi vi phạm là: phạt tiền; cải tạo không giam giữ và phạt tù có thời hạn. Mức phạt tiền cao nhất tới 100 triệu đồng. Đối với hình phạt tù có thời hạn cao nhất là 15 năm tù.
Theo Thẩm phán Lê Văn Minh, dù các quy định của pháp luật đối với các loại tội phạm xâm hại rừng đã rất rõ ràng, nhưng thời gian qua, việc áp dụng để xử lý loại tội phạm này dường như vẫn chưa quyết liệt dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý đến tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để ngăn chặn và xử lý có hiệu quả mọi hành vi phạm tội liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng.