Nhọc nhằn đời nữ “cửu vạn” núi Cấm

Thứ Tư, 20/06/2012, 20:59

Những năm đầu người dân mới đặt chân lên núi Cấm (An Giang) để khai khẩn, trồng trọt, kiếm kế sinh nhai, khi đến mùa thu hoạch, họ vận chuyển hoa lợi xuống núi rất vất vả. Tuy nhiên, nhờ đội quân nữ “cửu vạn” mà cư dân vùng núi và tiểu thương đã chuyển được hàng hoá xuống đồng bằng cho đến nay.

Từ dốc núi Cấm, chúng tôi men theo đường mòn lên chùa Phật Nhỏ. Mùa mưa bắt đầu nên vườn tược xanh mướt. Các khe suối nước chảy róc rách. Ở tuyến đường này có rất nhiều cua dốc khúc khuỷu. Nhưng duy chỉ có con dốc gần nhà ông Trần Văn Tùng là khó đi nhất.

Đi một đoạn lưng chừng núi, chúng tôi bắt gặp đoàn quân nữ “cửu vạn” đang gánh trái cây cho chủ vườn nhanh chân tuột dốc xuống núi. Mặc cho trời núi Cấm đang mưa rả rích, nhưng các chị vẫn bước đi thoăn thoắt trên con đường mòn. Xuống dốc cả một đoạn đường dài, vậy mà hiếm khi thấy các chị buông gánh nghỉ xả hơi. Nhìn sức dẻo dai của các chị mà chúng tôi thầm thán phục.

Quệt mồ hôi ngang trán, chị Neang Tuol (35 tuổi) hồ hởi: “Tôi gánh thuê ở đây được hơn chục năm. Hồi ấy, chưa làm con đường lên núi, đường sá nơi đây hẻo lánh chỉ là lối mòn nhỏ. Đến mùa mưa rơi ngay vào vụ canh tác hoa màu, đường sá trơn trợt khó đi lắm. Chủ vườn trên núi mới hùn tiền thuê người chẻ đá chất thành từng nấc thang lên tận đỉnh cho dễ đi. Những ngày đầu mới lên đây, nhà vườn chủ yếu trồng su su. Lúc đó, su su là loại trái được người dân trồng phổ biến. Mỗi lần thu hoạch, trung bình một nhà vườn trồng đến 5-10 công su su mà mỗi công su su đạt năng suất từ 2-3 tấn, thử hỏi chủ vườn làm sao vận chuyển xuống đồng bằng cho kịp bán. Do đó, phải thuê chị em phụ nữ chúng tôi gánh, vác xuống núi”.

Đội quân nữ “cửu vạn” núi Cấm đi nhận hàng để đưa lên, xuống núi.

Trước đây đội quân “cửu vạn” nữ núi Cấm có khoảng 50 người, trong số đó có nhiều chị là người Khmer. Kể từ năm 2007, đường lên núi được đưa vào sử dụng, nhiều chị phải “treo nghề” chuyển sang nghề khác mưu sinh. Giờ đây chỉ còn lại khoảng 30 nữ “cửu vạn” chuyên gánh hàng cho nhà vườn lên xuống núi. Hôm gặp chị Neang Sa Vi, thân hình gầy nhom, vậy mà chị gánh đến 50kg dâu đi lẫn trong cánh “cửu vạn” mày râu bước nhanh xuống núi. Sau một giờ đồng hồ gánh đến tận chân núi, chị mới ngồi nghỉ lấy sức để đi tiếp cho quãng đường còn lại.

Chị Neang Sa Vi, kể: “Gánh riết quen rồi. Một ngày gánh 1 chuyến, ngày nào cao điểm gánh đến 2-3 chuyến. Thông thường, đoạn đường gánh khoảng 3-4 cây số, nếu người nào không chịu được sức bền sẽ bỏ cuộc ngay. Mặc dù cực khổ nhưng bù lại có công việc làm quanh năm, kiếm tiền đong gạo hằng ngày. Ngoài ra, ông xã tôi cũng phụ tiếp gánh mướn để kiếm thêm thu nhập nuôi mấy đứa nhỏ ăn học. Ở quê, không có nghề ngỗng gì làm, chờ mấy công ruộng thì lấy gì mà sống”.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi dưới chân núi của một nữ “cửu vạn”.

Vượt núi Cấm hàng ngàn bậc thang, ghé nhà ông Trần Văn Tùng (62 tuổi), một chủ vườn chuyên canh cây quýt hồng. Ông Tùng đồng cảm với chị em “cửu vạn”: “Tôi trồng khoảng 3ha quýt hồng xen canh nhiều cây ăn trái khác như mít, vú sữa, dâu, mãng cầu. Hồi đó, ở đây chưa có đường xe chạy mỗi lần thu hoạch quýt bán Tết, tôi phải nhờ 20 chị mới gánh hết quýt xuống núi để bán cho tiểu thương. Sức khoẻ các chị dẻo dai không thua đấng mày râu. Nếu đàn ông gánh 60kg mỗi gánh thì các chị gánh cũng xấp xỉ chứ chẳng chịu thua”. Ngày nay, dân núi Cấm đều biết tiếng đội quân nữ “cửu vạn” của ông Chau Khol. Hễ mỗi lần nhà vườn thu hoạch măng tre, trái cây thì chỉ cần điện thoại cho ông Chau Khol biết. Phút chốc, ông tập hợp hơn 30 nữ “cửu vạn” đến tận nơi gánh hàng.

Ông Dương Văn Hoành - chủ vựa trái cây dưới chân núi Cấm, cho biết: “Mỗi lần tôi mua dâu của nhà vườn nào thì chỉ cần “alo” là ông Chau Khol tập hợp hàng chục chị đến gánh thuê. Vừa qua, đường lên núi Cấm tạm thời ngưng lưu thông do khắc phục hậu vụ tai nạn lở đá làm 6 người chết, rơi ngay vào mùa thu hoạch dâu và măng tre. Mỗi ngày phải vận chuyển xuống núi từ 5-10 tấn. Nếu không có các chị thì bạn hàng chúng tôi bó tay. Họ gánh mỗi kg nhận tiền công 1.000 đồng. Lúc lên gánh đồ nhu yếu phẩm, lúc xuống gánh trái cây, mỗi ngày một người kiếm được trên 100 ngàn đồng”…

Khách du lịch lên núi Cấm thấy những căn nhà tường khang trang của bà con, cũng một phần do các nữ “cửu vạn” gánh gạch, xi măng lên núi để xây nhà. Một ngày cuối tuần, tôi men theo đường suối Thanh Long lên chùa Phật Lớn, nhiều cư dân vùng núi tổ chức cúng vườn rôm rả do năm nay họ trúng mùa dâu. Nhà cửa của bà con được sửa chữa lại rất tươm tất. Họ nói, nhà cửa ở đây đều thuê nữ “cửu vạn” mang từng cục gạch, bao xi măng lên đây sửa lại nhà. Nếu không có họ, bà con ở đây không biết đến chừng nào mới có nhà ở khang trang.

Mặt trời khuất sau dãy núi Cấm, chị Neang Chuônl, Neang Cơ, Neang Mum… đổ dốc núi với mỗi người khoảng 50kg xoài. Các chị cười bẽn lẽn: “Mùa này gánh dâu, mít, xoài, măng tre. Hết mùa thì đi phát cỏ nhặt lá cho nhà vườn. Có việc làm quanh năm. Nhờ vậy mà có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng…”

V.Đức – T.C.
.
.
.