Nhiều ý kiến chưa đồng tình vị trí đặt nhà ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2
Theo văn bản phê chuẩn của UBND TP Hà Nội, TP đã chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, nếu triển khai, nhà ga này sẽ nằm sát Bờ Hồ Hoàn Kiếm, khu vực được ví như “trái tim” của Hà Nội. Chính vị trí nhạy cảm này đã khiến dư luận e ngại và nhiều chuyên gia quy hoạch cũng đã bày tỏ băn khoăn của mình.
Đặt nhà ga C9 vào một vị trí nhạy cảm như vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội giải thích, lúc đầu có 3 phương án được lựa chọn là đặt tại vườn hoa trước Đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu. Phương án thứ 2 là đặt cách phương án đầu 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội. Và phương án thứ 3, nằm dưới khu phố cổ, bao gồm cả Nhà hát Múa rối Thăng Long. Tuy nhiên, sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh sang địa điểm trước khu đất của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Dương Đức Tuấn, sở dĩ chọn phương án hiện nay bởi nếu ở vị trí này, sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của hồ Hoàn Kiếm (Tháp Bút, đền Bà Kiệu); có khả năng tiếp cận thuận tiện tới vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện TP và khu phố thương mại Tràng Tiền; cự ly giữa các ga C8, C9, C10 là hợp lý và không phải di dời nhiều hộ dân trong khu vực phố cổ. Ngoài ra, địa điểm này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch của tuyến đường sắt đô thị số 2, khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận liên quan.
Theo phân tích của Sở này, địa điểm sát hồ Hoàn Kiếm cũng phù hợp với định hướng quy hoạch của tuyến đường sắt đô thị số 2, khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận liên quan. Sở này cho rằng, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt đã xác định hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 2 và cũng định hướng sẽ di dời một số văn phòng, trụ sở các cơ quan cấp bộ, trụ sở cơ quan thuộc chính phủ, các công ty, tổng công ty nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời, ngoài việc khai thác để xây dựng trụ sở của các cơ quan đầu não về chính trị - hành chính của UBND TP Hà Nội tại Hồ Gươm và phụ cần thì còn dành để làm các công trình công cộng như công viên, công trình văn hoá hoặc các tiện ích đô thị như bãi đỗ xe, bến tàu điện, quảng trường, trục đi bộ...
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đã không đồng tình với việc lựa chọn này. Theo một chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, từng giữ vị trí Kiến trúc sư trưởng TP, công trình này sẽ đi qua dọc tuyến phố cổ và ngay sát hồ Gươm lại nổi lên sẽ tạo ra những bất lợi về mặt kiến trúc, cảnh quan cũng như ảnh hưởng tới sự an toàn của hàng nghìn nhà cổ ở khu vực này.
Ông viện chứng, khu vực Hồ Gươm là khu vực đặc biệt của Thủ đô. Trước đây, đã từng có 20 công trình định xây sát mặt hồ nhưng rất may đã kịp thời được ngăn chặn. Ngay cả các công trình công cộng quy mô nhỏ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh cũng không được phép xây dựng hoặc phải di dời để giữ gìn cảnh quan. Hợp lý nhất, theo vị chuyên gia này, có thể bố trí khu cảnh quan công viên, cây xanh thế vào. Quy hoạch chung cũng đã xác định, Hồ Gươm là trung tâm hành chính, chính trị của TP Hà Nội. Ngoài ra, TP Hà Nội đang có kế hoạch biến đường xung quanh Hồ Gươm thành phố đi bộ.
“Nếu đặt ga trên phố Đinh Tiên Hoàng, hành khách sẽ phải đi bộ bao lâu mới có thể quay trở lại lộ trình của mình? Như vậy, nếu lấy nốt ô đất để xây dựng ga metro ở vị trí đề xuất, liệu có phù hợp? Tôi cho rằng, chúng ta nên xem xét lại việc chọn ví trí này để làm ga metro”, ông phân tích.
Còn theo KTS Trần Trọng Hanh, phương án tối ưu là ga phải đặt ngay tại vị trí toà nhà EVN. Hơn nữa, theo ông Hanh, dư luận cũng e ngại, trong lòng đất khu vực Hồ Gươm còn đang ẩn chứa nhiều di sản, nếu làm ngầm thì cũng không thể nói chắc chắn không có vấn đề.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, có chiều dài tuyến 11,5km, trong đó, 8,5km đi ngầm và 3km đi trên cao. Toàn tuyến có 10 ga gồm 7 ga đi ngầm và 3 ga trên cao. Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2012-2017. Giai đoạn đến năm 2017 dự kiến đoàn tàu có 4 toa và tăng lên 6 toa sau đó. Tuyến bắt đầu từ Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Riêng đoạn qua khu phố cổ, Hồ Gươm và các phố phụ cận được bố trí đi ngầm. |