Nhiều vụ tai nạn liên quan đến các điểm trông giữ trẻ gia đình

Thứ Sáu, 22/05/2009, 15:18
Cùng với nhu cầu gửi trẻ nhỏ ngày một gia tăng của người dân, ngoài những trường mầm non công lập chỉ mới đáp ứng được số lượng nhỏ nhu cầu gửi trẻ ra, còn là số nhà trẻ tư thục và cơ sở "nhóm trẻ gia đình" (cả lớn lẫn nhỏ) mọc lên "như nấm sau mưa". Liệu cơ sở hạ tầng, chất lượng dạy học, chế độ dinh dưỡng cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ tại những điểm trông giữ trẻ theo nhóm gia đình này có được bảo đảm?

Trên cả nước hiện có hàng chục nghìn nhóm trẻ gia đình hoạt động, trong đó nhóm trẻ gia đình không phép, hoạt động lén lút rất lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tiêu chuẩn để thành lập nhóm trẻ gia đình lại không mấy người biết tới. Vấn đề về vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non ở nhóm trẻ gia đình đang đặt ra nhiều vấn đề báo động.

Những sự vụ đau lòng

Điển hình của việc vi phạm kéo dài, buông lỏng quản lý ở nhóm trẻ gia đình là việc bà Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hòa (Đồng Nai) đánh đập dã man các cháu nhỏ mà bà Hoa đang nhận trông giữ tại tư gia. Tòa án nhân dân TP Biên Hòa đã tuyên phạt Hoa 18 tháng tù giam về tội danh "Cố ý gây thương tích".

Vụ án đã khép lại, tuy nhiên những gì có liên quan đến việc mở và trông giữ trẻ nhỏ của Quản Thị Kim Hoa đã khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Sau sự việc động trời này, cơ quan chức năng mới rà soát chất lượng của các nhóm trẻ gia đình trên cả nước và giật mình nhận ra rằng, còn quá nhiều nhóm trẻ gia đình không đủ điều kiện trông giữ trẻ nhưng vẫn tồn tại.

Sự việc gần đây nhất là ngày 9/5, cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Bích Huyền, trú tại phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) - thủ phạm gây ra cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Thị Ngọc A., 3 tuổi, trú cùng phường. Cháu A. được gia đình gửi cho một cơ sở trông giữ trẻ, chủ cơ sở đã giao A. cho Huyền (là hàng xóm) bế về nhà mà không quan tâm xem cháu A. được đưa đi đâu, làm gì, có an toàn không? Thậm chí Huyền bế cháu A. đi rất lâu, đến khi người nhà cháu A. đến tìm thì mới hay không thấy cháu đâu.

Sự thiếu trách nhiệm và vi phạm quy định trông giữ trẻ này đã để lại hậu quả đau xót: sinh mạng của cháu A. đã bị Huyền cướp mất. Vụ án gây phẫn uất trong dư luận và để lại bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều phụ huynh đang gửi con ở những nhóm trẻ gia đình không đảm bảo an toàn.

Cần thắt chặt công tác quản lý

Những sự việc đau lòng liên tiếp diễn ra, dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý và hậu kiểm tại những nhóm trẻ này được thực hiện như thế nào? Tại Hà Nội, trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu đến trường của trẻ nhỏ. 63% số trẻ còn lại phải học ở các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình.

Trường mẫu giáo công lập luôn quá tải.

Theo Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục Hà Nội thì trung bình mỗi năm thành phố đóng cửa 40 điểm trông giữ trẻ gia đình và tư thục do không đủ các quy định về Điều lệ trường mầm non. Quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì có số cơ sở bị đóng cửa nhiều nhất. Nguyên do đây là hai địa bàn có số người nhập cư về tạm trú đông, đã xuất hiện nhiều nhóm trẻ xập xệ len lỏi mọc lên trong khu dân cư.

Theo quy định chuẩn quốc gia, ở các cơ sở mầm non phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 6m2/trẻ, nhưng hầu hết các nhóm lớp ở Hà Nội không đạt tiêu chuẩn trên, trừ nhóm lớp Minh Hải. Ở các nhóm trẻ gia đình, chủ cơ sở hầu như ít biết cách sơ cứu nếu trẻ chẳng may gặp nạn. Do đó, đây vẫn là mối hiểm họa lơ lửng mà chưa có cách tháo gỡ.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội thì nhóm lớp mầm non thực chất chỉ là nơi giữ trẻ, không phải cơ sở giáo dục mầm non vì giáo viên không có trình độ chuyên môn…

Chỉ cần một gian phòng nhỏ với những thiết bị giáo dục sơ sài mà không cần phải đạt chuẩn là có thể "sở hữu" cho mình một "mái trường" mẫu giáo tư thục đảm nhận việc trông giữ trẻ, thu lại một khoản lợi nhuận đáng kể mỗi ngày… cũng là một trong những căn nguyên dẫn đến sự tràn lan các cơ sở "nhóm trẻ gia đình" không đảm bảo các quy định của Bộ GD&ĐT như hiện nay.

Liên quan đến tình trạng trên, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) trong năm 2008, đã có hơn 300 cơ sở mầm non tư thục (chiếm 2/3 là nhóm trẻ gia đình) bị Sở GD&ĐT của tỉnh này đình chỉ hoạt động do cơ sở vật chất phục vụ cho việc trông giữ, chăm sóc trẻ ở những nơi này chật hẹp, thiếu thốn, nhiều giáo viên không có bằng cấp, tình hình đảm bảo ANTT bị bỏ ngỏ… 

Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đến các Sở Giáo dục và UBND các tỉnh, thành yêu cầu kiểm tra và chỉ đạo các cơ sở mầm non thực hiện nghiêm quy định phân cấp phường, xã quản lý lớp mầm non, nhóm trẻ gia đình. Bộ sẽ nâng mức phạt vi phạm đối với các cơ sở mầm non không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước tối thiểu lên 10 triệu đồng. Khi cấp phép hoạt động, các cơ sở sẽ phải làm cam kết thực hiện đúng quy định với phường, xã.

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh hoạt động trông giữ trẻ ở các nhóm lớp mầm non, UBND xã, phường cần phối hợp với Phòng GD&ĐT các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc và đóng cửa cơ sở nào vi phạm nhiều lần. Đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ nhỏ, để các cháu mầm non được nuôi dưỡng và bảo vệ trong môi trường an toàn là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Theo Điều lệ trường mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thì chủ lớp mầm non, người trông giữ trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục mầm non (ít nhất 30 ngày hoặc được bồi dưỡng quản lý ngắn hạn và có giấy chứng nhận), phải có phẩm chất, đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật, không mắc bệnh lây nhiễm.

Minh Thư - Trần Huy
.
.
.