Nhiều vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi

Thứ Ba, 29/09/2015, 08:36
Sau nhiều cơn mưa lớn, hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn cũng như nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nguy cơ bị sạt lở. 

Để đảm bảo an toàn, kịp thời có biện pháp khắc phục, xử lý, từ ngày 23 đến 25/9, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các ngành có liên quan thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi. Tại Bình Dương, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để xây cất nhà, làm lều quán, điểm bán và tập kết vật liệu xây dựng… đang có chiều hướng gia tăng.

Kiểm tra hành lang bảo vệ công trình tuyến đê bao sông Sài Gòn đoạn từ địa bàn xã An Sơn đến phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An), cơ quan chức năng đã phát hiện hộ ông Lê Văn Sang, cư ngụ tại ấp An Hòa, xã An Sơn đã xây dựng lấn chiếm diện tích 75m².

Theo khoản 10, điều 7 Luật Đê điều, hộ ông Sang đã vi phạm nghiêm trọng việc làm thay đổi dòng chảy và thoát lũ rạch Cầu Phong đổ ra sông Sài Gòn. Do trước khi Nhà nước tiến hành xây dựng công trình đê bao này, hộ ông Sang đã được đền bù nên đoàn kiểm tra đã kiến nghị buộc gia đình ông Sang phải phá bỏ diện tích lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, trả lại hiện trạng ban đầu, bảo đảm an toàn cho công trình.

Vi phạm hành lang bảo vệ bờ đê bao xã An Sơn.

Dọc tuyến đê bao sông Sài Gòn, từ địa bàn phường Tân An đến Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một), đoàn kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản 12 hộ dân xây dựng các công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê. Tuy nhiên, các công trình này đều được xây dựng trước năm 2005 (QĐ số 155 của UBND tỉnh Bình Dương chưa ra đời), các công trình này chưa được đền bù khi khởi công xây dựng tuyến đê bao, không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hành lang đê điều, do đó theo kiến nghị của đoàn kiểm tra, các công trình của 12 hộ dân này vẫn được giữ nguyên nhưng không được tự ý nâng cấp, mở rộng mặt bằng, không xây dựng thêm công trình mới. Từng hộ dân phải làm cam kết với chính quyền địa phương và chính quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Tại hồ thủy lợi Cần Nôm (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng), đoàn kiểm tra xác nhận hiện có 165 nhà ở có công trình phụ, nhà xưởng, vườn cây cao su với tổng diện tích 478.459m² nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Qua xem xét, đoàn kiểm tra thấy rằng, các chủ hộ này đã có mặt và xây dựng công trình hồ chứa trước năm 2005, hầu hết diện tích này đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ở hồ thuỷ lợi Từ Vân 1 và Từ Vân 2 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) có 10 hộ dân đã xây dựng nhà ở, nhà trọ, trại chăn nuôi heo, vườn cây cao su đang khai thác nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Cũng như ở hồ Cần Nôm, 10 hộ dân ở đây đều đến trước khi chủ đập cắm mốc hành lang bảo vệ công trình và chưa được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa.

Ngọc Ánh

.
.
.