Nhiều vị chức sắc tôn giáo là điển hình của phong trào toàn dân phòng chống tội phạm
Tại Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Nghị định 40/CP của Chính phủ về Công an xã và 10 năm xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm của tỉnh Kiên Giang mới đây, các đại biểu đặc biệt chú ý tới thành tích của Hòa thượng Danh Nhuôn, Phó Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành, Phó trụ trì chùa Khlang Ông và ông Phạm Xuân Hoàng, linh mục Giáo xứ Tân Bùi, huyện Tân Hiệp. Họ đã làm hết sức mình để đạt được mục tiêu sống tốt đời đẹp đạo…
Hòa thượng Danh Nhuôn kể, Châu Thành là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm gần 31% dân số). Trên địa bàn huyện hiện có 13 chùa, 1 tháp, 4 sư liệt sĩ thuộc phái Nam Tông và 8 chùa phái Bắc Tông, tập trung tại các xã Giục Tượng, Minh Hòa, Bình An, Vĩnh Hòa Hiệp và thị trấn Minh Lương. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đại bộ phận đời sống của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt, bộ mặt các phum sóc, chùa chiền được khởi sắc hơn trước. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, tình hình ANTT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.
Hòa thượng Danh Nhuôn tâm niệm phải chăm lo việc đạo cho tốt, đồng thời phải góp phần vào cuộc sống nhằm làm cho con người dù là lương hay giáo phải có cuộc sống yên vui hạnh phúc, đúng với phương châm "tốt đời, đẹp đạo".
Hòa thượng Danh Nhuôn thường xuyên tuyên truyền giáo dục bà con nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT ở xóm ấp; thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những quy định của Phật pháp.
Những nỗ lực của Hòa thượng Danh Nhuôn đã mang lại kết quả thật đáng ghi nhận. Ngày càng có nhiều bà con Khmer tích cực tham gia phong trào phòng chống tội phạm.
Điển hình nhất có thể kể đến thành tích của 3 anh Danh Chanh, Danh Sơn và Danh Út tại ấp Hòa Thạnh, xã Minh Hòa. Ngày 15/3, sau khi phát hiện đối tượng có hành vi cắt trộm dây cáp điện lực, các anh đã tổ chức vây bắt đối tượng giao cho Công an. Cả ba anh được Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang khen thưởng.
Đối với ông Phạm Xuân Hoàng, linh mục Giáo xứ Tân Bùi (thuộc ấp Kênh Bốn A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp), điều khiến ông tâm đắc chính là ông đã thực hiện khá rõ nét phương châm: "Tại nhà thờ là một linh mục. Nơi đường phố là bạn thân của mọi người, mọi gia đình. Ra vườn cây, xuống đồng ruộng là bác nông dân".
Là một linh mục giáo xứ, ông đã chủ động và có nhiều biện pháp, quyết tâm xây dựng xứ đạo an toàn, đoàn kết, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong 10 năm qua, ông và bà con giáo dân, nhất là trong hội đồng mục vụ đã phối hợp đề xuất với chính quyền địa phương giải quyết 15 vụ tranh chấp có liên quan đến hôn nhân và gia đình, ranh mốc đất đai và tài sản gia đình, góp phần giải quyết ổn định khiếu kiện tại HTX nông nghiệp, không để kéo dài, phức tạp...
Linh mục Phạm Xuân Hoàng bộc bạch: "Đạo và đời phải được đi đôi. "Kính chúa yêu nước", "Sống tốt đời đẹp đạo", "Sống phúc âm trong lòng dân tộc",… là những khẩu hiệu được tôi trân trọng nhất. Tôi và giáo dân trong xứ đạo thường xuyên lấy Kinh thánh và dựa trên chính sách pháp luật của Nhà nước mà giáo dục mọi tín đồ.
Với thế hệ trẻ trong xứ đạo, tôi dành sự quan tâm đặc biệt nhất là giáo dục trách nhiệm, nghĩa vụ của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hằng tuần, chúng tôi tổ chức giáo dục nhân cách, giáo dục lối sống trong sáng, vui tươi, lành mạnh, giáo dục hạnh phúc gia đình cho họ. Nhờ vậy, thời gian qua đã có 224 cặp vợ chồng trẻ được tác hợp, sống hạnh phúc"