Nhiều trẻ em bị hóc dị vật
Bé gái T.T.T., 3 tuổi ngụ tại TP Hồ Chí Minh được gia đình đưa tới khoa Tai mũi họng (TMH) Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh trong tình trạng bị chảy nước mũi kèm theo triệu chứng có mùi hôi thối trong hốc mũi.
Mẹ bé T. cho biết, cách đây 2 tháng khi làm vệ sinh cho con đã phát hiện hốc mũi cháu có mùi hôi bất thường. Chị đã đưa con đi khám bệnh ở một số bệnh viện nhưng các bác sỹ không phát hiện được mắc bệnh gì. Trong khi đó nước mũi cháu T. tiếp tục bị chảy nhiều hơn và đã chuyển sang màu vàng đục.
Sau khi được thăm khám tại khoa TMH, Bệnh viện Nhi đồng I quyết định cho cháu nhập viện để theo dõi. Bé T. được khám tổng quát TMH và xét nghiệm nội soi. Các bác sỹ đã phát hiện trong mũi bé có một vật lạ.
Dị vật được gắp ra từ trong hốc mũi bé T. là một cục giấy vò lúc này đã đóng chặt đầy mủ. Sau khi được nội soi lấy dị vật, mũi cháu T hết ngay triệu chứng chảy nước mũi. Việc ăn uống cũng trở lại bình thường.
Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng I tiếp nhận và điều trị khá nhiều các trường hợp trẻ bị hóc dị vật, hoặc dị vật làm tắc đường thở. Các dị vật thường được lấy ra từ đường thở, đường ăn như: hạt đậu phộng, hạt me, hạt mãng cầu, hạt quít, cam, sợi thun, bông tai, bông gòn, khuy áo…
Nhiều trường hợp bị nghẹt thở do những dị vật này vào sâu. Trường hợp trên, cục giấy đã chặn đường thở trong mũi, chèn lên thành mũi và kích thích gây chảy nước mũi.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa TMH của Bệnh viện, khi bị kẹt trong hốc mũi, cục giấy gặp nước mũi sẽ trương nở ra bám chặt vào thành mũi gây bít tắc đường thở, rất nguy hiểm.
Từ đầu năm tới nay, khoa TMH Bệnh viện Nhi đồng I đã cấp cứu điều trị tới 75 trường hợp dị vật đường thở và đường ăn. Riêng từ đầu tháng 2 tới nay đã có trên 20 trường hợp bị hóc dị vật đồng xu và xương cá