Nhiều nông dân vẫn bị lừa sổ đỏ

Thứ Năm, 23/07/2009, 19:41
Sau vụ "bà chủ trẻ" Diễm Thúy bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố, bắt tạm giam, không ít nông dân tại Tiền Giang vẫn nhắm mắt làm liều.
>> Hàng chục tỷ đồng bay theo "bà chủ trẻ"

Một ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Lộc (ngụ xã Vĩnh Kim, Châu Thành) kể, đất của ông 1.350m2 nếu ra ngân hàng vay chỉ được hơn 1 triệu đồng. Vì lý do này mà ông đã nhờ một "cò" hành nghề chạy xe ôm, cầm sổ đỏ của mình cho bà Trần Kim L. (nhà trên đường Lý Thường Kiệt, TP Mỹ Tho) để vay 3 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng.

Trả lãi được tháng đầu, tháng sau xuống chuộc lại, ông Lộc mới biết sổ đỏ của mình đã được bà L. tiếp tục cầm 5 triệu đồng cho bà Phan Thị N. (nhà trên đường Yersin, phường 4, TP Mỹ Tho). Muốn chuộc lại sổ đỏ, bà N. buộc ông phải trả 5 triệu đồng, cộng với lãi suất phát sinh. Không thể thực hiện theo đề nghị này, ông đã quay lại tìm bà L. hỏi cho ra lẽ thì bà L. đã trốn mất.

Cùng ấp với ông Lộc, bà Nguyễn Thị Vân cũng bị mất sổ đỏ diện tích đất 700m2 khi cho người khác mượn để vay 2 triệu đồng. "Mới đây Công an tỉnh có đến hỏi tôi về vụ việc này" - bà Vân cho biết.

Còn chị Nguyễn Minh Nguyệt (ngụ xã Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) thì kể, chị đã đưa sổ đỏ có diện tích 1.000m2 của mình cho “cò” S., ngụ cùng ấp. Thông qua “cò” S., chị được giới thiệu với chị Liễu (không biết nhà ở đâu, chỉ biết số điện thoại) "đạo diễn" đến Ngân hàng C vay 100 triệu đồng.

Trước khi làm thủ tục, chị Nguyệt được “cò” S. làm Giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể, địa điểm kinh doanh trái cây tại nhà. "Được vay 100 triệu đồng nhưng tôi thực lãnh chỉ 90 triệu đồng và phải trả chi phí giấy mực cho “cò” hết 2,5 triệu đồng. Hơn 2 năm rưỡi vay vốn, tiền lãi phát sinh đã lên 30 triệu đồng. Không có khả năng trả lãi, tôi đã bị ngân hàng kiện ra tòa và tài sản của tôi đang bị kê biên". 

Bà Nguyễn Thị Ba (không biết chữ), ngụ cùng ấp Mỹ Phú với chị Nguyệt cũng đang đối mặt với nguy cơ mất đất tương tự do nghe theo lời “cò”…

Tại Cần Thơ, khoảng giữa năm 2008, ông L.V.S. (40 tuổi, nhà ở phường Phước Thới, quận Ô Môn) có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Do không biết thủ tục vay ngân hàng nên ông S. đã gặp Phạm Văn Út gần nhà và được anh này giới thiệu gặp Chế Minh Trung (29 tuổi) - chủ DNTN Nguyên Trung, địa chỉ từng đặt tại số 188/14 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều.

Qua trao đổi, bàn bạc, Trung chấp nhận cho ông S. vay 50 triệu đồng với điều kiện ông S. phải thế chấp cho Trung 2 GCNQSDĐ (sổ đỏ) diện tích gần 5.000m2 do mẹ của ông S. đứng tên. Ông S. chấp nhận điều kiện này và được Trung tạm ứng 3 lần với số tiền là 12,5 triệu đồng.

Sau khi có được 2 sổ đỏ của ông S. thế chấp, Trung đã lập khống thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng từ tên mẹ của ông S sang tên mình. Đến tháng 7/2008, sau khi có 2 sổ đỏ do mình đứng tên, Trung đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Bình Tâm (48 tuổi, ngụ Bến Tre) số tiền 300 triệu đồng.

Trước đó, vào khoảng tháng 3/2008, để vay 40 triệu đồng cất nhà, ông V.T.C. đã thế chấp cho Trung 2 sổ đỏ diện tích đất gần 1.600m2. Sau khi "giải ngân" cho "khách hàng" 10 triệu đồng, Trung cũng dùng thủ đoạn tương tự để "hô biến" chủ quyền đất từ tên ông C. thành tên của mình và đã được cấp sổ đỏ vào ngày 11/7/2008.

Còn Ch., cũng nhà ở phường Phước Thới với ông C., sau khi thế chấp cho Trung 2 sổ đỏ diện tích gần 2.000m2 đã bị "tay chân" của Trung là Út dụ ký vào hồ sơ chuyển nhượng từ tên ông Ch. sang tên Võ Hoa Tiên - vợ của Trung. Sau khi hồ sơ được chính quyền phường chứng thực, Trung không chịu tiếp tục giao tiền vay như thỏa thuận ban đầu nên vợ chồng ông Ch đã làm đơn tố giác dấu hiệu lừa đảo của Trung. 

Không dừng lại là những "con mồi" ít biết về thủ tục vay vốn ngân hàng tại Cần Thơ, chủ DNTN Nguyên Trung còn thả "vòi" xuống các vùng quê thuộc tỉnh Hậu Giang...  Đến nay Trung không có khả năng chi trả.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Lê Hoàng Bé - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho biết vừa ký quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DNTN Nguyên Trung.

Chúng tôi cũng đã "mò" tới địa chỉ mà DNTN Nguyên Trung từng làm trụ sở thì được biết, sau khi Trung biến mất, chủ căn nhà này đã cho một công ty khác thuê lại để sản xuất kinh doanh sản phẩm nước uống tinh khiết…

Ông Võ Thanh Nhã - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết, về nguyên tắc, khi cho vay, ngoài yêu cầu bắt buộc phải kiểm tra các loại giấy tờ theo qui định, cán bộ thẩm tra phải đến tận cơ sở kinh doanh để thẩm định. Nếu để lọt sổ dẫn đến chuyện hộ vay không có khả năng trả nợ thì ngân hàng nào cho vay thì ngân hàng đó tự bù, bản thân cán bộ tín dụng chịu trách nhiệm trước các ngân hàng đó. Chỉ khi nào cán bộ tín dụng câu kết với các “cò” ký khống hồ sơ nhằm trục lợi và bị người dân tố cáo thì ngành chức năng mới có thể vào cuộc.

Rõ ràng, trong tất cả các "khổ chủ" mà chúng tôi kể ra trong loạt bài điều tra này đều có vai trò tích cực của các “cò”; nếu không có đối tượng này thì người dân khó lòng tiếp cận được với các ngân hàng. Do đó, cán bộ Ngân hàng khuyên nông dân rằng, khi có nhu cầu vay vốn, cứ đi thẳng đến chính quyền địa phương hoặc chi nhánh các ngân hàng để được hướng dẫn. Đấy cũng là cách mà người dân giúp ngành Ngân hàng tẩy chay sự tồn tại của các “cò” do chúng không còn đất sống…

Nhóm PV, CTV ĐBSCL
.
.
.