Nhiều khuất tất tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ

Thứ Bảy, 24/09/2011, 15:41
Trong một bảng đề nghị, BS Thủy, Bệnh viện Da liễu Cần Thơ "chỉ định" cho nhà thuốc bệnh viện (NTBV) phải nhập thuốc của Công ty dược này, nhà phân phối nọ. Sự "khăng khít" giữa BS với trình dược viên hoặc với Công ty Dược phẩm còn thể hiện qua việc BS Thủy dùng bản giới thiệu sản phẩm (mà Giám đốc Công ty Dược phẩm ký tên, đóng dấu gửi bệnh viện) để ghi đề xuất nhập loại thuốc này.

Ngày 16/9 vừa qua, trong vai người nhà một bệnh nhân bị sạm da, PV Báo CAND đã vào phòng khám của Bệnh viện Da liễu (BVDL). Sau khi kiểm tra, BS Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa kê ngay toa vào sổ khám bệnh với 20 ngày dùng. Tuy nhiên, tôi cầm toa thuốc này hỏi một bác sĩ khác thì được biết, chỉ có Newpantio là thuốc, còn Unitone 4 SPF20-30ml là mỹ phẩm với giá 355.950 đồng/tube.

Trong lúc đứng chờ trước Nhà thuốc Bệnh viện (NTBV) để mua thuốc và… mỹ phẩm, tôi được một bệnh nhân khác cho biết, chị cũng vừa được BS Thủy chẩn đoán bị rám má. Chị cũng được BS Thủy chỉ định mua thuốc dùng 20 ngày với 3 loại, nhưng cũng chỉ có Melacare là thuốc bôi, 2 loại còn lại thuộc mỹ phẩm là Uveblock 80 5ml (giá 52.800đồng/tube) và Collagen Mask (1 hộp 5 miếng, giá 257.250 đồng).

Đi vào tìm hiểu nguyên nhân khiến BS Thủy "nhiệt tình" ghi những loại không phải là thuốc vào toa cho bệnh nhân, chúng tôi được biết, do đó là một trong những sản phẩm do BS Thủy chủ động đề xuất đưa vào bày bán tại NTBV.

Theo kết quả điều tra riêng của chúng tôi, trong số 54 loại thuốc mà các BS của bệnh viện đề nghị nhập vào NTBV năm 2011, thì có đến 39 loại do chính BS Thủy đề nghị. 

Trong quá trình điều tra theo phản ánh của dư luận, PV Báo CAND còn thu được nhiều điều khó hiểu khác cũng liên quan đến BS Thủy. Cụ thể, BS Thủy từng đề nghị hẳn loại thuốc hỗ trợ điều trị (chứ không phải điều trị chính) kèm theo số lượng khá lớn vào NTBV. Trong khi theo nguyên tắc, BS khoa khám không thể biết trong 1 tháng, NTBV đã bán loại thuốc này với số lượng bao nhiêu.

Bút tích của BS Trưởng khoa khám Bệnh viện Da liễu Cần Thơ.

Trong một bảng đề nghị khác, BS Thủy còn… "chỉ định" cho NTBV phải nhập thuốc do Công ty dược này, nhà phân phối nọ. Sự "khăng khít" giữa BS với trình dược viên hoặc với Công ty Dược phẩm còn thể hiện qua việc BS Thủy dùng bản giới thiệu sản phẩm (mà Giám đốc Công ty Dược phẩm ký tên, đóng dấu gửi bệnh viện) để ghi đề xuất của mình, yêu cầu cho loại thuốc này vào NTBV.  

Không dừng lại dấu hiệu sai phạm của một cá nhân, quá trình điều tra, chúng tôi còn phát hiện nhiều vi phạm khác tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không được bày bán chung với thuốc khác trong NTBV mà phải có quầy riêng.

Tại BVDL Cần Thơ cũng có Phòng Chăm sóc da (nằm trên lầu 1, thuộc khoa khám bệnh - PV) nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trưa 23/9, mỹ phẩm vẫn được trưng bày chung cùng thuốc khác tại NTBV.

Trong danh mục thuốc của BVDL Cần Thơ năm 2011, đi kèm với 217 loại biệt dược là 48 loại mỹ phẩm (chủ yếu do hãng Isipharma của Pháp sản xuất). Một BS là cán bộ Thanh tra của bệnh viện thừa nhận, có loại mỹ phẩm giá lên đến 1.500.000 đồng. Lạ một điều là có đến 34 sản phẩm trong số này đều do Công ty Mỹ phẩm Pháp Việt phân phối. Trong danh mục thuốc của một bệnh viện chuyên khoa nhưng có cả thuốc Miganil 5 - thuốc đau nửa đầu.

Nhiều BS cho biết họ thật sự khó hiểu khi danh mục thuốc năm 2011 được ban hành mà không thông qua Hội đồng thuốc và điều trị như mọi năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, trên cơ sở đề xuất của các trưởng khoa và thành viên có liên quan, Hội đồng thuốc sẽ chọn ra một danh mục thuốc phù hợp với chuyên khoa điều trị, giá cả, đơn vị sản xuất có uy tín,...

Năm 2011, Giám đốc BVDL Cần Thơ - với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thuốc toàn quyền phê duyệt danh mục thuốc. Một BS cho biết thêm, trong danh mục này có một số loại thuốc cùng một hoạt chất với nhiều biệt dược (Levofloxacin có 6 tên biệt dược; Itraconazol có 4 tên biệt dược). Bên cạnh đó, trong danh mục thuốc của bệnh viện, chúng tôi thấy có rất nhiều thuốc do các hãng thuốc nước ngoài sản xuất.

Điều này đi ngược với chủ trương "ưu tiên dùng thuốc sản xuất trong nước" (trừ những thuốc đặc trị); hạn chế dùng những thuốc phụ trợ (như thực phẩm chức năng hay các thuốc không có tác dụng điều trị chính). Và đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự "tranh thủ" của những BS có ý cấu kết với trình dược viên…

Binh Huyền
.
.
.