Nhiều dự án giao thông tắc tiến độ vì chậm giải phóng mặt bằng

Thứ Năm, 20/06/2019, 10:03
Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2… là những dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với Hà Nội. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện các dự án này đang chậm tiến độ, gây ra nhiều hệ lụy về giao thông.


Thông tin từ Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho biết, dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng) hiện đã chậm tiến độ đáng kể. Ban đã nhiều lần có kiến nghị thành phố cùng chính quyền địa phương, tập trung hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng sạch để thi công.

Tuy nhiên đến nay, sau khoảng 2 năm cấp tập triển khai vẫn còn 47 hộ dân thuộc quận Bắc Từ Liêm chưa di dời được, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Tương tự, tuyến đường Vành đai 2, đoạn dưới thấp (đường Trường Chinh), Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố cũng đang “khổ sở” vì 8 hộ dân thuộc địa bàn quận Đống Đa.
Một phần dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.

Được biết, 8 hộ dân này đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB từ hơn 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chây ì, không chịu bàn giao mặt bằng. Do công tác GPMB đã được giao cho địa phương thực hiện nên khi UBND quận Đống Đa “bó tay” thì chủ đầu tư cũng chỉ biết đếm ngày chờ đợi. Một dự án khác phức tạp hơn, khó khăn hơn gấp bội là tuyến Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Đây là tuyến xuyên tâm thành phố, cực kỳ quan trọng đối với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông cho lõi đô thị Hà Nội. Mặt khác, toàn tuyến chỉ còn đoạn từ Hoàng Cầu - Voi Phục là có thể khép kín, phát huy tối đa tác dụng cả về giao thông, kinh tế lẫn xã hội. Thế nhưng, dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy.

Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội Lê Văn Bính thông tin, hiện mới chỉ có 1.136/1.937 hộ dân phối hợp đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất; 486 hộ cho đo vẽ hiện trạng phục vụ GPMB. Không chỉ đường bộ, các tuyến ĐSĐT số 2, 3 cũng đang rất gian nan trong GPMB, đặc biệt khi thực hiện xây dựng các ga ngầm. Ví dụ như các ga từ S9 - 12 tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội; ga C9, tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Có thể nói, trong 3 năm qua, diện mạo của giao thông Hà Nội đã thay đổi đáng kể nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền thành phố và các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, những dự án giao thông lớn lại đang gặp khó đến mức phải chững lại trong khâu GPMB.

Hệ lụy là đội vốn đầu tư, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, kìm hãm sự phát triển chung của cả thành phố. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra hàng ngày trên đường Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… khiến người tham gia giao thông vô cùng bức xúc.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, UBND TP Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác đôn đốc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Vấn đề là một số địa phương như quận Bắc Từ Liêm… chưa hoàn thành nhiệm vụ GPMB.

Để công tác GPMB kéo dài năm này sang năm khác, gây nhiều hệ lụy nặng nề cho các dự án nói riêng và cả thành phố nói chung, người đứng đầu các địa phương nêu trên đang thiếu tinh thần trách nhiệm hay thiếu năng lực?

Vành đai 1 là tuyến giao thông đường bộ vòng tròn, chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Khu vực Hà Nội phía trong vành đai 1 được xác định là khu vực bảo tồn và hạn chế phát triển. Năm 2016 việc mở rộng các đoạn vành đai 1 từ đường Nguyễn Khoái đến Hoàng Cầu đã hoàn thành.

Tháng 12-2017, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục với chiều dài 2,27km (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.779 tỷ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỉ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện từ năm 2017-2020. Tổng số hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khoảng 2.328 hộ, trong đó quận Đống Đa có 808 hộ, quận Ba Đình có 1.520 hộ. Tuyến vành đai 1 được biết đến là con đường “đắt nhất hành tinh” khi tổng đầu tư mỗi mét hơn 3,4 tỉ đồng.

Nhật Uyên
.
.
.