Nhiều bất cập trong Dự thảo Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn
Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Dự thảo Đề án Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn và gửi tới các Bộ, ban, ngành để lấy ý kiến đóng góp trước khi trình Chính phủ phê duyêt. Với quan điểm là hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đề án đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố kể trên. Tuy nhiên, theo đại diện một số Sở, ban, ngành tại Hà Nội, Dự thảo còn nhiều điểm chưa khả thi.
5 năm sinh sống ở TP lớn mới được đăng ký xe
Theo Dự thảo Đề án, người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký phương tiện cá nhân. Tại khu vực nội đô của các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu ôtô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe… Dự thảo cũng đề ra ba giải pháp về thuế, phí, phí sở hữu phương tiện cá nhân, nhằm tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện; giải pháp quản lý sở hữu phương tiện; các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, môi trường của phương tiện. Đặc biệt, phương tiện đăng ký mới tại các thành phố lớn phải đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường như khí thải, tiếng ồn... tương đương tiêu chuẩn Euro 3 đến 5 đối với ôtô.
Với xe máy, dự thảo quy định niên hạn sử dụng và sẽ thực hiện đăng kiểm. Dự thảo còn đề ra niên hạn sử dụng, trong đó quy định xe gắn máy tham gia giao thông phải đáp ứng điều kiện về niên hạn sử dụng theo quy định. Quy định niên hạn đối với các loại phương tiện vận tải đặc thù (taxi, xe buýt…) nhằm hạn chế số lượng phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, giảm ô nhiễm môi trường… Hạn chế sở hữu theo thời gian sinh sống tại các thành phố lớn, theo đó người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên, mới được đăng ký phương tiện cá nhân.
Không nên hạn chế bằng quản lý
Nói về nội dung Dự thảo, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, chi tiết: "Để đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn là phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên" không khả thi. Bởi, người dân có thể sử dụng xe đăng ký ngoại tỉnh và hoạt động trên địa bàn thành phố khác. Đồng thời, ông Tân cũng cho rằng nên bỏ nội dung: "Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu ôtô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe" bởi biện pháp này đã đưa vào triển khai nhưng không khả thi.
Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, các thành phố chỉ hạn chế được bằng chính sách thuế, không nên hạn chế bằng quản lý. Vì không thể cấm người dân mua 3 - 5 ôtô nhưng có được lưu hành trong nội đô không là do quy định của thành phố. Đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng, cần hạn chế phương tiện cá nhân bằng biện pháp tăng thuế, phí, đặc biệt tăng phí chuyển nhượng, thuế tiêu thụ đặc biệt cao sẽ hạn chế được ôtô con…
Giao thông ùn tắc đang là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn. |
Bên cạnh đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam lại cho rằng, Đề án phải đưa ra cơ chế thực hiện, phải ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tự động hóa tín hiệu giao thông. Xây dựng lộ trình, hạ tầng phát triển đến đâu, hạn chế phương tiện cá nhân đến đó.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, ông Trần Đức Vũ cho rằng, đề án còn dàn trải, phần 3 cần phân nhóm các nội dung giải pháp, lộ trình thực hiện. Việc hạn chế phương tiện cá nhân là vấn đề liên quan tới toàn dân, theo đó, giải pháp tuyên truyền giáo dục là rất quan trọng, bên cạnh đó là cưỡng chế, xử phạt.
Về nguyên lý, đi lại là quyền của người dân nhưng do hạ tầng chưa phát triển tương ứng nên đành phải áp dụng việc hạn chế các phương tiện cá nhân. Thực tế, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện mới đạt chưa được 11%. Việc cấm các phương tiện cá nhân phải có cơ quan chuyên ngành khoa học tính toán; phân vùng, phân quy hoạch để cấm đến mức độ nào.
Đồng tình với quan điểm một số Sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi đề nghị, phần kết cấu của Đề án nên có sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nội dung và các lộ trình. Cụ thể nên đưa ra cơ chế chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng, vận tải hành khách công cộng trước, sau đó mới đến phần hạn chế các phương tiện cá nhân